Tiếng Việt | English

15/03/2017 - 15:11

Đột phá từ chương trình đầu tư khai thác nguồn nước phục vụ nhân dân

Chương trình đột phá Đầu tư khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI được các cấp, các ngành ở Cần Đước, tỉnh Long An tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện. Chủ trương này được tuyên truyền sâu, rộng và được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Giếng nước tại xã Long Hựu Đông

Nhiều công trình hoàn thành

Toàn huyện hiện có 659 giếng khoan khai thác nước ngầm, trong đó có 146 giếng phục vụ kinh doanh. Tuy nhiên, các giếng khai thác nước ngầm phân bổ không đồng đều ở 16 xã, thị trấn; giếng có quy mô nhỏ, chất lượng nước sau xử lý chưa đạt yêu cầu và thường thiếu nước vào mùa khô. Một số xã vùng hạ của huyện có nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn và hàm lượng Clor rất cao, không thể sử dụng để phục vụ sinh hoạt. Đặc biệt, một số ấp trên địa bàn xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây không có nước sinh hoạt vào mùa khô. Thấu hiểu những khó khăn của người dân, huyện có nhiều giải pháp đưa nguồn nước về phục vụ, đặc biệt là chương trình đầu tư khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện: Đầu tư các giếng nước và kéo đường ống về các xã khó khăn trong việc khai thác mạch nước ngầm.

" Chương trình Đầu tư khai thác nguồn nước phục vụ nhân dân được sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Mặt khác, huyện chủ động xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; đồng thời, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước cho nhân dân, đặc biệt là ở các vùng có mạch nước ngầm không sử dụng được."Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường

Thời gian qua, huyện tập trung đầu tư các giếng mới, nâng cấp trạm cấp nước ở các xã: Long Hựu Tây, Long Hựu Đông, Long Sơn, Phước Tuy, Mỹ Lệ,... giải quyết nhu cầu “khát” nước ngọt cho hàng ngàn hộ dân. Đồng thời, huyện kiểm tra, giám sát, khuyến khích các chủ giếng nước tư nhân nâng cấp về cung lượng và chất lượng nước để phục vụ người dân có nguồn nước sạch sinh hoạt, nhất là vào mùa khô.

Công trình cung cấp nước 4 xã vùng hạ đã cơ bản hoàn thành (công trình cấp nước Mỹ Lệ)

Hiện nay, công trình cấp nước 4 xã vùng hạ huyện Cần Đước do Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Cần Đước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 49 tỉ đồng, thực hiện xong các hạng mục: Giếng khoan khai thác, bể chứa nước sạch, nhà điều hành, móng bồn xử lý, các hạng mục phụ nhà máy, lắp đặt thiết bị công nghệ, trạm biến áp và tuyến ống từ nhà máy đến Quốc lộ 50. Hiện, đơn vị thi công đang thi công tuyến ống cấp nước dọc theo Quốc lộ 50 từ ngã tư chợ Trạm đến Công ty Công trình Đô thị Cần Đước. Dự án đầu tư cấp nước sinh hoạt tại ấp Long Hưng, xã Long Hựu Đông do Công ty TNHH MTV Cầu Nổi thực hiện với tổng kinh phí 3,95 tỉ đồng, thực hiện xong các hạng mục: Giếng khoan và hệ thống xử lý nước, dự kiến trong tháng 3 sẽ hạ thế điện và kéo đường ống cấp nước. Trạm cấp nước xã Long Hựu Đông (kinh phí trên 1,2 tỉ đồng), Trạm cấp nước xã Long Sơn (kinh phí trên 1,7 tỉ đồng), công trình cấp nước xã Phước Tuy (kinh phí trên 1,8 tỉ đồng) hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Riêng công trình tuyến ống và Trạm bơm tăng áp xã Long Hựu Đông, UBND tỉnh ghi vốn năm 2017 với kinh phí gần 15 tỉ đồng và huyện đang tìm vị trí xây dựng 500m2.

Dân vui khi có nước

Ngay từ đầu năm 2017, sau khi khảo sát các địa điểm có mạch nước ngầm và điều kiện nước bảo đảm phục vụ sinh hoạt của người dân, Ban Quản lý dự án huyện phối hợp UBND các xã: Phước Tuy, Long Hựu Đông và Long Sơn xây dựng 3 trạm cấp nước, đến nay đưa vào hoạt động. Mỗi trạm gồm các hạng mục: Giếng khoan, nhà thiết bị, bể chứa, bể lọc, hệ thống bơm và tuyến ống cấp nước.

Dân vui khi có nước ngọt

Ông Nguyễn Văn Định (ngụ ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông) vui mừng: “Vậy là chúng tôi có nước ngọt để xài rồi, mừng lắm mấy chú ơi! Nhớ những năm trước, nước ở đây cực kỳ quý. Hầu hết hộ dân ở đây đều phải đào một cái ao trữ nước dùng vào mùa khô, không bảo đảm vệ sinh, dễ mắc bệnh vì nguồn nước bị ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật, xác động, thực vật,... Nếu năm nào trời nắng quá, ao cạn nước thì người dân phải mua nước của tư nhân ở nơi khác với giá đắt đỏ”. Cũng như ông Định, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ngụ cùng ấp chia sẻ: “Nhớ lúc trước không có nước sinh hoạt, tôi phải mua nước của công ty nước tư nhân với giá trên 100.000 đồng/m3.

Gia đình có 4 nhân khẩu, trung bình 1 tháng, chúng tôi tốn khoảng 1 triệu đồng. Nay có trạm cung cấp nước ở đây, chúng tôi vui mừng lắm vì mỗi tháng chỉ tốn khoảng 100.000 đồng tiền nước”.

Bí thư Đảng ủy xã Long Hựu Đông - Huỳnh Văn Đát cho biết: “Toàn xã có khoảng 1.000 hộ dân ở các ấp: Long Ninh, Rạch Đào, Rạch Cát thiếu nước sinh hoạt. Những hộ dân ở đây chỉ có đủ nước sinh hoạt trong 6 tháng mùa mưa, chủ yếu là nước mặt ở các ao, sông, rạch và lượng nước mưa được trữ lại trong hồ bêtông, bồn nhựa, lu. Những tháng mùa khô, các cửa cống đầu mối đóng lại, nước trong kênh, rạch bị cạn kiệt. Vì thế, người dân phải mua nước sinh hoạt với giá từ 100.000-150.000 đồng/m3. Hiện nay, trạm cung cấp nước của xã được huyện đầu tư đưa vào hoạt động, phần nào giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Công suất trung bình của trạm khoảng 150m3/ngày đêm. Rất mong, huyện đầu tư thêm một giếng nữa để đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân”.

Trạm cấp nước xã Long Hựu Đông

Đem nước cho dân - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường, Chương trình Đầu tư khai thác nguồn nước phục vụ nhân dân được sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Mặt khác, huyện chủ động xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; đồng thời, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước cho nhân dân, đặc biệt là ở các vùng có mạch nước ngầm không sử dụng được. Tính đến cuối năm 2016, huyện có 90,9% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.

Thời gian tới, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành vi của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường, sử dụng nước tiết kiệm hơn; việc quản lý, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp quá mức sẽ làm cạn kiệt nguồn nước, nhất là nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục kiểm tra, rà soát thực hiện các quy hoạch, công trình đầu tư của tỉnh, huyện được phê duyệt, thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình bảo đảm theo kế hoạch; vận động, hỗ trợ các chủ giếng nước đầu tư cải tạo, nâng cấp bảo đảm chất lượng nước theo quy định, mở rộng hệ thống cung cấp phục vụ nhân dân; trong đó, ưu tiên nhà đầu tư áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến để nâng cao chất lượng nước, thân thiện với môi trường. Huyện sẽ kiến nghị, đề xuất tỉnh thông qua các chính sách ưu đãi để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án cung cấp nước trên địa bàn huyện; lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình nước, nhất là ở các xã thiếu nước sinh hoạt./.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình Đầu tư khai thác nước phục vụ nhân dân trên 98 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách 34,6 tỉ đồng, còn lại là vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp để xây mới 7 công trình khai thác nước ngầm; sửa chữa, nâng cấp 20 công trình khai thác nước ngầm và một số hệ thống ống dẫn nước.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết