Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành công thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động nặng nề tới kinh tế toàn cầu, song xuất khẩu của Việt Nam trong năm vừa qua vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kết thúc năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trên thế giới.
6 mặt hàng vượt 10 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Với con số này, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
Đáng chú ý, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nếu như năm 2011 Việt Nam mới có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88,7% thì đến năm 2020 đã tăng lên 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia...
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực và đầu tháng 8/2020 thì sau 4 tháng thực thi, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD.
Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm càphê, hàng dệt may; túi xách; rau quả; sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất tốt.
Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tích cực. Năm 2020, xuất khẩu sang Canađa duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...
Với những kết quả nêu trên, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
- Thặng dư thương mại năm 2020 vượt 19 tỷ USD:
Cùng với đó, xuất siêu năm 2020 cũng đạt mức cao kỷ lục là 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.
“Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Sáu mục tiêu cho năm 2021
Song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, nhưng công tác bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa... đã được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Theo đó, các chương trình kết nối cung cầu, kích thích tiêu dùng trong nước được tổ chức thực hiện liên tục và rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, gắn với đó là các chương trình kích thích thương mại điện tử và kinh tế số, tạo động lực thúc đẩy thị trường trong nước phát triển sôi động, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Với 2 đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, đã có 880 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm (chiếm 70% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương).
"Toàn bộ 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai trực tuyến ở mức độ 2 trở lên, trong đó có 220 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, 4 trực tiếp tại Cổng dịch vụ công của bộ...," ông Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị ngành công thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bước sang năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp; trong đó xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt; đặc biệt là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp tới kinh tế toàn cầu.
Do đó, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, ngành công thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu…, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các đơn vị chức năng tập trung bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, lắng nghe doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra...
Tư lệnh ngành công thương cũng nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách để thực hiện thực chất, có hiệu quả các đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước những năm tới đây trên tinh thần quyết tâm cao hơn; lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành Công Thương.
“Các cơ chế, chính sách, chương trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong ngành Công Thương, phải lấy hiệu quả và sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ./.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các mục tiêu:
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8% so với năm 2020.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với năm 2020.
- Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 tăng khoảng 8% so với năm 2020
|
Theo TTXVN