Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 cho phép các trường đại học, cao đẳng được tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, tài chính, đầu tư... Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay đã có 14 trường đại học, cao đẳng công lập tham gia thí điểm, nhưng mới chỉ thực hiện được một vài nội dung theo từng lĩnh vực về tài chính, hoạt động đào tạo..., trong đó có việc tăng học phí theo Đề án đã được phê duyệt. Điều này chưa nhận được sự đồng tình của nhiều sinh viên.
Đầu năm học 2016-2017, trường Đại học Kinh tế quốc dân thông báo mức học phí mới là 530 nghìn đồng 1 tín chỉ đối với nhóm ngành kiểm toán, kinh tế đầu tư, kinh tế quốc tế, tài chính doanh nghiệp và 375 nghìn đồng một tín chỉ với một số ngành khác. Mức học phí này tăng gần 30% so với năm học trước và trung bình mỗi sinh viên phải trả từ 12 triệu đồng đến 17 triệu đồng một năm tùy theo ngành học. Việc tăng học phí của trường đã vấp phải sự phản ứng của nhiều sinh viên vì sinh viên cho rằng việc tăng học phí này quá đột ngột và tăng quá nhiều so với mức mặt bằng học phí của các trường khác. Mức học phí từ 12 triệu đồng đến 17 triệu đồng một năm theo thông báo của trường là đối với những sinh viên học 15 tín chỉ một học kỳ. Nếu học theo tiến độ này, mỗi sinh viên phải mất 5 năm để hoàn thành 150 tín chỉ theo quy định để tốt nghiệp, trong khi hầu hết sinh viên đều học từ 20 tín chỉ đến 25 tín chỉ một học kỳ để có thể tốt nghiệp trong 4 năm. Như vậy, mức học phí thực mỗi sinh viên phải trả cho 1 năm học lên tới 20 triệu đồng một năm.
Nguyễn Vân Anh, sinh viên K57 cho rằng: “Tăng học phí thì tất nhiên phải tăng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo tốt hơn, giáo trình đổi mới bởi vì kinh tế thay đổi rất nhanh. So với năm nhất thì thấy là hầu như chất lượng chung về cơ sở vật chất hay là giáo trình các thứ thì vẫn chưa thay đổi nhiều mà để tăng học phí lên quá cao như thế. Khoảng 50% sinh viên trường em là con nhà nông thì khó mà đáp ứng được mức học phí này. Nhà em ở Hà Nội nên mức học phí này em có thể đáp ứng được, nhưng vẫn không cảm thấy thoải mái lắm bởi vì mức học phí mà em bỏ ra vì không tương xứng với chất lượng. Bây giờ kiểu đâm lao thì phải theo lao chứ không biết làm thế nào”.
Lý giải về việc tăng học phí, ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, việc tăng học phí của trường là theo lộ trình của Đề án thí điểm tự chủ đã được Chính phủ phê duyệt là tăng từ 10% đến 30% một năm so với mức học phí cũ. Sở dĩ sinh viên phản ứng khi được thông báo mức học phí mới là do trường chưa tuyên truyền đầy đủ cho sinh viên, phụ huynh nắm được lộ trình tăng học phí đi kèm với các chính sách hỗ trợ cũng như mục tiêu của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Cùng với trường Đại học Kinh tế quốc dân, đến thời điểm này, 14 trường đại học, cao đẳng thực hiện thí điểm tự chủ đều có lộ trình tăng học phí, nhưng mức tăng chỉ từ 10% đến 15% so với mức học phí cũ để không gây “sốc” cho sinh viên. Một số trường vẫn giữ nguyên mức học phí bằng quy định chung của Nhà nước áp dụng cho các trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ.
Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, một trong 14 trường thí điểm tự chủ cho biết, việc tăng học phí đối với các trường thí điểm tự chủ là điều tất yếu để bù đắp chi phí đào tạo khi không được ngân sách hỗ trợ. Thế nhưng, khó khăn hiện nay của các trường là phải tính đến khả năng chi trả của người học và chất lượng đào tạo phải được nâng lên, tương xứng với mức học phí mà sinh viên phải chi trả.
“Trường Ngoại thương cũng có lộ trình tăng học phí, khoảng 10%. Nếu không tăng học phí thì không bù đắp được chi phí và cũng không có những điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo và để đảm bảo những điều kiện về mặt chất lượng, liên quan đến thầy giáo, giảng đường, cơ sở vật chất và quy mô lớp học giảm dần để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên mình phải tính đến khía cạnh người học, khả năng người ta có thể chi trả hay không và đặc biệt là mình bên cạnh việc tăng học phí thì cũng phải quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho người học” – ông Tuấn nói.
Theo các chuyên gia và lãnh đạo một số trường, để người học đồng thuận trong việc tăng học phí thì các trường cần công khai minh bạch mức học phí và lộ trình tăng học phí theo từng năm. Trong mùa tuyển sinh năm nay, một số trường vẫn không công khai mức học phí và lộ trình tăng học phí để thí sinh biết và chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế, nên khiến sinh viên phản ứng.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi nêu ý kiến: “Theo tôi, đi đôi với việc giao quyền tự chủ thì các trường cũng phải tăng trách nhiệm, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cam kết về chất lượng đào tạo. Tôi cho là chất lượng của họ khi được kiểm định, khi được công bố công khai về xếp hạng thì họ phải có trách nhiệm. Bởi vì thí sinh và phụ huynh sẽ là người lựa chọn hay không, thì phụ thuộc vào uy tín chất lượng của trường”.
Xu thế hiện nay là các trường đại học phải thực hiện tự chủ và việc tăng học phí là lộ trình bắt buộc. Từ việc nhiều sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân phản ứng khi nhà trường tăng học phí cho thấy, các trường cần tổ chức tốt hoạt động truyền thông, công khai khai minh bạch thông tin về học phí để sinh viên hiểu và thực hiện. Điều quan trọng là các trường cần nâng cao chất lượng đào tạo, tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm. Về phía cơ quan quản lý nên đẩy mạnh kiểm định chất lượng của các trường, tiến tới xếp hạng các trường đại học để người học và xã hội thấy được sự khác biệt của từng trường tương ứng với mức học phí sẽ phải chi trả khi theo học./.
Minh Hường/VOV - Trung tâm Tin