Thương hiệu phải gắn liền với chất lượng
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự báo cả năm 2018, gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, kỳ vọng có thể đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,2-3,3 tỉ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017. Gạo Việt Nam xuất khẩu đến 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đạt kết quả trên chính là nhờ những chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước và những giải pháp chiến lược về khoa học, công nghệ, tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại của các cơ quan quản lý nhà nước, DN và nông dân.
Festival là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Long An. Ảnh: Thanh Mỹ
Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT - Nguyễn Quốc Toản chia sẻ: “Định hướng đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại nông sản, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và bảo hộ sản phẩm là một trong những định hướng quan trọng được Chính phủ chỉ đạo
đối với ngành nông nghiệp. Việc Bộ NN&PTNN chính thức công bố “Logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam” là bước ngoặt lớn, tạo đà cho sản xuất và thương mại lúa gạo. Nhiều ý kiến từ các cơ quan quản lý, chuyên gia về kinh tế đều cho rằng, thương hiệu quốc gia phải gắn liền với chất lượng mới chinh phục được khách hàng, bạn bè quốc tế. Vì vậy, ngay bây giờ, mọi người cần thay đổi tư duy, bắt đầu hành động để giữ vững thương hiệu thông qua chuyển đổi từ sản xuất theo số lượng sang đi sâu vào chất lượng sản phẩm”.
Tập đoàn Lộc Trời là một trong những DN có sản lượng cũng như doanh số cao trong tiêu thụ gạo nội địa lẫn xuất khẩu. Thời gian gần đây, Lộc Trời tham gia vào Liên minh Quốc tế sản xuất lúa gạo bền vững SRP. Đây là tổ chức được đồng sáng lập bởi Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI). Tại Long An, không ít nông dân thuộc khu vực Đồng Tháp Mười tham gia sản xuất theo hướng liên kết với Lộc Trời.
Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Chín, thuộc Tập đoàn Lộc Trời, thông tin: “Hiện nay, nông dân có xu hướng sử dụng lượng phân bón, nhất là phân đạm cao hơn mức khuyến cáo của các nhà khoa học. Việc làm này không có lợi cho sản phẩm cũng như môi trường. Khi tham gia sản xuất cùng Lộc Trời, nông dân nhận thức được cách sản xuất theo tiêu chuẩn “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách nhằm bảo đảm tính an toàn và chất lượng nông sản. Kết quả này minh chứng hạt gạo làm ra từ Lộc Trời thâm nhập vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ,...”.
Một gian hàng tại Festival. Ảnh: Mai Hương
Với cách làm này, sản lượng gạo kinh doanh của Lộc Trời gia tăng qua các năm. Nếu như năm 2011 tổng lượng gạo kinh doanh nội địa và xuất khẩu đạt 12.000 tấn với giá trị 91 tỉ đồng thì 9 tháng năm 2018, Lộc Trời ghi nhận sản lượng kinh doanh đạt 203.024 tấn và giá trị đạt 2.437 tỉ đồng. Ông Dương Văn Chín nhận định, nông dân cũng như DN đều mong muốn duy trì lợi ích bền vững. Vì vậy, các cơ quan chức năng, DN và nông dân hãy bắt tay, cùng nhau nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất, chế biến, cho ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao về chất lượng và độ an toàn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: “Do nhiều nguyên nhân, cuộc sống của nông dân, nhất là nông dân trồng lúa còn khó khăn vì các khoản chi tiêu trong sản xuất và tiêu thụ. Với vai trò hỗ trợ, kết nối và chia sẻ thông tin, Hội Nông dân các cấp đang từng ngày gắn kết, tiêu thụ sản phẩm của nông dân và DN. Đối với sản xuất lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất được hình thành dưới sự kết nối, “mai mối” từ Hội Nông dân. Thông qua đó, nông dân sẽ được sản xuất theo hướng liên kết, thực hành sản xuất theo hướng GlobalGAP, VietGAP, được DN bao tiêu với giá tốt. Hội Nông dân đặt mục tiêu đẩy mạnh việc “mai mối” để nông dân trồng lúa có thể làm giàu bằng công sức lao động bỏ ra trên đồng ruộng của mình”.
Cơ hội quảng bá hình ảnh Long An
Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III có 1.058 gian hàng của 612 địa phương, đơn vị, DN tham gia. Riêng tỉnh Long An có 40 gian hàng trưng bày nông sản, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Festival Lúa gạo lần thứ III tổ chức tại Long An, không chỉ giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp thuộc thế mạnh của tỉnh mà còn là dịp quảng bá, đưa hình ảnh Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc ngày trước, giờ đang vươn mình, phát triển từng ngày đến với bạn bè, du khách trong và ngoài địa phương.
Dù đang tất bật với công việc giới thiệu, bán sản phẩm của mình nhưng chị Lê Thị Ngọc Yến - chủ Trang trại Rau sạch công nghệ cao Nutifarm (phường 7, TP.Tân An), vẫn vui vẻ chia sẻ: “Nutifarm được hỗ trợ một gian hàng bán sản phẩm rau, củ, quả,... sạch trong dịp Festival Lúa gạo lần này. Hàng ngày, tôi cùng với người thân dậy thật sớm thu hoạch sản phẩm đem vào đây vừa trưng bày, vừa bán cho khách hàng. Trang trại của gia đình rộng 2.000m2, rau, củ được trồng thủy canh, có thể thu hoạch và dùng ngay mà không cần phải rửa như các loại rau, củ khác. Một ngày, trang trại cung cấp ra thị trường TP.Tân An, TP.HCM từ 100-120kg rau, củ, quả,...”.
Long An có 40 gian hàng trưng bày nông sản, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp dịp festival (Trong ảnh: Chị Lê Thị Ngọc Yến - chủ Trang trại Rau sạch công nghệ cao Nutifarm giới thiệu sản phẩm với khách hàng). Ảnh: Thanh Mỹ
Những ngày tham gia trưng bày tại festival, sản phẩm Nutifarm được nhiều khách tham quan đón nhận, chọn mua hoặc dùng thử. Chị Ngọc Yến mong muốn qua dịp này, khách hàng biết đến sản phẩm, đặt hàng. Bình quân sản phẩm rau, quả của Nutifarm có giá 50.000 đồng/kg.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến - Nguyễn Thành Mười, phương châm của công ty muốn giới thiệu cho mọi người biết đến gạo đặc sản tại Long An nên lần này, đơn vị ưu đãi giá gạo các loại dao động từ 10.000-14.000 đồng/kg. Công ty có hơn 3.000ha chuyên trồng lúa nguyên liệu đặc sản, gạo được sản xuất theo quy trình sạch, an toàn. Dịp này, công ty có 6 gian hàng trưng bày sản phẩm liên quan. Dù mới hết ngày thứ hai nhưng đơn vị đã bán hơn 10 tấn gạo. Hiện tại, công ty xuất khẩu gạo ra nhiều nơi trên thế giới như Singapore, Indonesia, Malaysia, Bỉ,... với trung bình khoảng 150.000 tấn/năm. Festival Lúa gạo lần này thật sự mở ra nhiều cơ hội phát triển nông nghiệp của tỉnh. Sản phẩm chất lượng, thiết bị, máy móc được nhiều người biết đến, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Long An.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại Long An tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp nói riêng, KT-XH địa phương nói chung. Long An đang từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng, hàng hóa lớn, có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh đó, dịp này còn xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ nông sản cho người dân. Đồng thời, bạn bè, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về đất và người Long An với nhiều tiềm năng về sản xuất nông sản./.
Mai Hương - Thanh Mỹ