“Tôi nghĩ mình phải cảm ơn nhiều người”
Một lần nữa, khán giả mộ điệu cải lương Long An lại tự hào vì quê hương mình có thêm một Chuông vàng vọng cổ - NS Nhật Nguyên. Nhật Nguyên quê ở xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, đăng quang trong cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2020 sau nhiều cố gắng.
NSND Minh Vương cho rằng, Nguyễn Quốc Nhựt (Nhật Nguyên) đã tạo được phong cách ca diễn đạt hiệu quả nghệ thuật, có khả năng vươn xa trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp
Nguyễn Quốc Nhựt là một kép đẹp hiếm hoi của sân khấu cải lương hôm nay”.
NSND Bạch Tuyết (trích dẫn từ Báo Người Lao Động)
|
Trong suốt cuộc trò chuyện với NS Nhật Nguyên, điều chúng tôi cảm nhận rõ ràng nhất chính là lòng biết ơn của anh với những người từng yêu thương và giúp đỡ mình. Khi được hỏi: “Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật, ai là người anh trân quý và biết ơn nhất?”, Nhật Nguyên không ngại ngần trả lời: “Tôi nghĩ mình phải cảm ơn nhiều người. Vì tôi may mắn gặp được rất nhiều người hết lòng giúp đỡ mình”. Anh kể về những vị “ân nhân” từ ngày “chân ướt chân ráo” lên TP.HCM ôn thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh. Đó là giáo viên Trần Hồng Thơ, Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức, thầy Cao Tấn Lộc,... và rất nhiều người khác. Khi nhắc đến mỗi người, anh đều kể chi tiết người ấy đã hỗ trợ và giúp đỡ mình như thế nào trên hành trình theo đuổi nghệ thuật cải lương.
Từ một chàng trai quê ở vùng sâu lên thành thị theo đuổi ngành sân khấu, Nhật Nguyên gặp không ít khó khăn. Có những lúc không chịu nổi áp lực, anh muốn bỏ hết để về lại quê nhà. Nhưng nỗi nhớ khán giả, nhớ cải lương thôi thúc anh trở lại với ánh đèn sân khấu. Nhật Nguyên kể: “Gia đình tôi không ai theo nghệ thuật nhưng lại rất thích văn nghệ và yêu ca hát. Cha mẹ tôi thường nghe cải lương nên hầu như vở nào tôi cũng biết, rồi yêu thích khi nào không hay”.
Học xong lớp 12, Nhật Nguyên quyết tâm thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và được gia đình hết lòng ủng hộ. Quyết tâm được sống với nghệ thuật đã giúp Nhật Nguyên vượt qua những khó khăn, va vấp trong những năm tháng chập chững vào nghề. Anh nói rằng, nếu không nhận được sự yêu thương và giúp đỡ của mọi người, có lẽ anh sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong hành trình của mình. Khi đăng quang trong cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, ngoài nỗ lực không ngừng của bản thân, Nhật Nguyên vẫn không quên cảm ơn những người đã đồng hành, giúp đỡ anh trong suốt chặng đường làm nghề.
Trở thành Chuông vàng vọng cổ đối với NS Nhật Nguyên là một dấu mốc quan trọng, động lực lớn để anh tiếp tục nỗ lực trên hành trình của mình. Nhật Nguyên “bật mí” anh sẽ ra mắt một số MV vọng cổ vào cuối năm 2020 như một món quà tri ân gửi đến người mộ điệu. Kết thúc buổi trò chuyện, Nhật Nguyên cười tươi và không quên gửi lời cảm ơn đến những khán giả đã yêu mến, ủng hộ cho anh trong suốt thời gian qua.
Phải nỗ lực, học hỏi nhiều hơn
NS Võ Thành Phê (quê xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, hiện là NS của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) vừa đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020. Trong đêm chung kết xếp hạng, “kép mùi” Võ Thành Phê để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả với vai Lộc trong trích đoạn Con cò trắng của soạn giả Thu An.
Nghệ sĩ Võ Thành Phê
Không có nhiều thời gian để chuẩn bị vì lịch thi đã cận kề, anh và đồng nghiệp phải tập luyện xuyên suốt. Để có thể diễn “tròn vai” cho tiết mục này, Võ Thành Phê tìm hiểu rõ tâm lý nhân vật qua từng lời trong kịch bản để khi tiếng ca cất lên cũng chính là tiếng lòng của Lộc - một gã đàn ông nông nổi, lỡ sa chân vào con đường nghiện ngập khiến gia đình tan vỡ. Lộc là người con, người chồng, người cha tệ bạc, gây khổ đau cho vợ con và nhất là người mẹ đã tảo tần nuôi anh khôn lớn. Từng cử chỉ, động tác khi vào vai Lộc lúc lên cơn hay bừng tỉnh mỗi lần nhớ về mẹ, Võ Thành Phê đều thể hiện tròn trịa, xúc động và giàu cảm xúc. Nhờ tiết mục này trong đêm chung kết xếp hạng, Võ Thành Phê đã xuất sắc nhận được Huy chương Vàng ở hạng mục Kép mùi.
Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang là cuộc thi do Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức. Cuộc thi này kế thừa thành quả của giải thưởng Trần Hữu Trang (do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức từ năm 1991-2014), được nâng tầm quốc gia với sự tham gia của các diễn viên cải lương từ các đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Cuộc thi đặc biệt ở chỗ không giới hạn độ tuổi của các NS và có sự phân chia rõ ràng ở các hạng mục kép - đào mùi, kép lão - đào mụ, kép hài - đào lẳng, kép - đào độc để các diễn viên được thể hiện đúng sở trường của bản thân. Ban Giám khảo của cuộc thi là những NS uy tín và có tên tuổi như Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu, NSND Trần Minh Ngọc, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Thoại Miêu, Nghệ sĩ Ưu tú Thoại Mỹ và Thanh Thanh Hiền.
Huy chương Vàng cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 là một bước ngoặt rất lớn đối với nghệ sĩ Võ Thành Phê, bên cạnh Chuông vàng vọng cổ năm 2008 (Ảnh: Internet)
Có được Huy chương Vàng danh giá của Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang là một vinh dự không phải ai cũng có được. Vốn là “sân chơi” nghệ thuật truyền thống uy tín, thế nên, để đoạt giải thưởng của cuộc thi này là điều không hề dễ dàng. Anh cho biết, giải thưởng là điều đáng quý nhưng bản thân vẫn phải nỗ lực, học hỏi nhiều hơn để không phụ lòng kỳ vọng của những người đã yêu thương, ủng hộ mình. Anh cũng tri ân những thầy cô, anh, chị, em đồng nghiệp cùng khán giả đã luôn đồng hành, dõi theo anh trong suốt quá trình làm nghề nói chung, cuộc thi này nói riêng. Bên cạnh Chuông vàng vọng cổ năm 2008, Huy chương Vàng lần này cùng nhiều giải thưởng khác trong thời gian qua chính là động lực để anh nuôi dưỡng đam mê, phấn đấu hơn với con đường đã chọn./.
Hoàng Thúy - Phạm Ngân