Tiếng Việt | English

16/08/2016 - 19:23

Phó Thủ tướng: Đẩy nhanh tiến độ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 16/8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn (2013-2020) (gọi tắt là Đề án 896); kiểm điểm kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo từ đầu năm đến nay và bàn triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 896, để cấp số định danh cá nhân cho nhóm trẻ em đăng ký khai sinh từ ngày 1/1 năm nay (ngày Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân có hiệu lực), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho các cơ quan đăng ký hộ tịch tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và tại huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An.

Đến ngày 30/6 vừa qua, tại các địa phương trên, 128.440 trẻ đã được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân. Đối với những người đã đăng ký khai sinh và đăng ký thường trú, việc cấp số định danh cá nhân được thực hiện khi cấp thẻ căn cước công dân.

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Bộ Công an đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho hơn 3,3 triệu công dân tại 16 tỉnh, thành phố. Trong đó, từ ngày 1/1 đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 1,3 triệu số định danh cá nhân, việc thực hiện thủ tục được đánh giá nhanh chóng và đơn giản.

Về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã phê duyệt Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26, Luật đấu thầu.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết việc rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân theo Đề án 896 đã cơ bản hoàn thành.

Trong tổng số 1934 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 thủ tục hành chính, chiếm 58,2%; trong đó đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 thủ tục hành chính, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 28 thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 thủ tục hành chính, sửa nội dung 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân.

Các thành phần hồ sơ liên quan đến thông tin cá nhân được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa phổ biến là bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, giấy khai sinh, sơ yếu lý lịch.

Đóng góp ý kiến vào báo cáo triển khai thực hiện đề án, các đại biểu cho rằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thành phần cốt lõi, quyết định thành công của Đề án 896. Tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư so với lịch trình đề ra chậm sẽ cản trở việc phát triển và xây dựng Chính phủ điện tử.

Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng Ban chỉ đạo Đề án cần thảo luận, phân định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan trong phối hợp triển khai Đề án, quy định chi tiết kế hoạch phối hợp, thời hạn xử lý, giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để đảm bảo mục tiêu tạo sự đổi mới cơ bản về tổ chức hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, song song với việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cần xác định rõ khi đã có Cơ sở dữ liệu này, các bộ, ngành địa phương sẽ đổi mới như thế nào, đơn giản được giấy tờ gì và đơn giản bằng cách nào. Đây là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các bộ, ngành, để dùng chung được phải có kế hoạch từ bây giờ để tránh khoảng trống.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng đề nghị có kế hoạch, lộ trình phân công rõ cho các bộ, ngành, đưa các nhà kỹ thuật vào tư vấn. Đồng bộ từ dữ liệu nhưng các cơ quan khai thác cũng phải đồng bộ.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận những kết quả Ban Chỉ đạo đã đạt được từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được phê duyệt nhưng vẫn còn vướng mắc liên quan đến thủ tục lựa chọn nhà thầu nên chưa thể triển khai, cần khắc phục các hạn chế này. Các bộ, ngành và thành viên của Ban Chỉ đạo cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đề ra.

Trong tháng Tám này, cần hoàn thiện xong thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm hoàn tất thủ tục đưa dự án vào triển khai trong tháng Chín tới.

Nhấn mạnh đây là dự án nền tảng, quyết định sự thành bại của Đề án 896, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Bộ Công an và Viettel thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.

Phó Thủ tướng nêu rõ để bảo đảm việc triển khai nhiệm vụ của Đề án tại các bộ, ngành, địa phương được đồng bộ, Bộ Công an cần khẩn trương đề xuất Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường phối hợp trong tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tháng Chín tới. Bộ Công an trực tiếp quản lý, cập nhập, các bộ, ngành có quyền khai thác, còn những vấn đề thuộc về bí mật đời tư công dân, phải có phần mềm bảo vệ, có chỉ lệnh người có thẩm quyền mới được truy cập.

Trong quá trình thu thập thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để bảo đảm tính pháp lý của thông tin, cần sự phối hợp của các cơ quan trong quản lý công dân. Các cơ quan cần xây dựng cơ chế phối hợp để bảo đảm quá trình thu thập, nhập dữ liệu được chính xác, khoa học.

Nhấn mạnh công tác rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân là công tác rất quan trọng của Đề án nhằm loại bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản hóa trình tự và giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khẩn trương hoàn thành kết quả rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp.

Việc rà soát là công việc quan trọng, định hướng để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, do vậy các cơ quan cần đặc biệt chú trọng đến kết quả, bảo đảm tính khoa học, khả thi của phương án. Các bộ ngành cần lấy ý kiến các chuyên gia, các địa phương, hoàn thiện phương án đơn giản hóa của bộ, ngành mình trong quý 3 này./.

Chu Thanh Vân/TTXVN 

Chia sẻ bài viết