Tiếng Việt | English

30/11/2021 - 10:56

Giám sát chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong mùa dịch

Thời gian qua, HĐND các cấp trong tỉnh cùng với cả hệ thống chính trị vào cuộc giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đến nay chưa phát hiện trường hợp trục lợi chính sách hoặc hỗ trợ chưa đúng đối tượng.

Khẩn trương rà soát, lập danh sách các đối tượng

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ (gọi tắt là NQ 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Long An đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Việc hỗ trợ luôn bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng và có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng cấp.

Đến ngày 12/7/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch và quyết định về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) theo NQ 68. Cũng ngay trong ngày 12/7, UBND tỉnh tổ chức chi hỗ trợ trực tiếp cho người bán vé số trên toàn địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai quán triệt NQ 68 của Chính phủ, hướng dẫn các địa phương khẩn trương rà soát đối tượng cần hỗ trợ.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều thăm, hỗ trợ các lực lượng phòng chống dịch

Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh tỉnh Long An cũng theo chức năng, nhiệm vụ đã có văn bản hướng dẫn thực hiện NQ 68 theo lĩnh vực của ngành. UBND các huyện, thị xã, thành phố đều có kế hoạch triển khai, thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính cũng có văn bản liên Sở hướng dẫn cơ bản đầy đủ, cụ thể những vấn đề phát sinh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và địa phương sau khi triển khai, thực hiện.

Là một trong những hộ lao động tự do được hỗ trợ từ rất sớm, bà Nguyễn Thị Giàu (1965), ngụ ấp Bình Tây 2, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, vô cùng cảm động. Bà Giàu bộc bạch: “Gia đình không có đất sản xuất, tôi làm giúp việc kiếm tiền sinh sống qua ngày. Do dịch Covid-19 tôi phải nghỉ việc nên không có thu nhập. Là hộ nghèo nên cuộc sống càng thêm vất vả. Với số tiền được hỗ trợ cùng những phần quà của địa phương, giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Không được may mắn như bà Giàu, gia đình chị Lê Thị Nga (SN 1986), ngụ ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, không thuộc diện hỗ trợ theo NQ 68. Được biết, chồng chị làm nghề cơ khí, còn chị ở nhà nội trợ và chăm sóc 2 con còn nhỏ, đứa lớn chỉ hơn 3 tuổi. Chị Nga bày tỏ: “Dù không được hỗ trợ tiền nhưng địa phương luôn quan tâm đến gia đình tôi, thường xuyên tặng gạo, nhu yếu phẩm. Chủ nhà trọ cũng giảm tiền thuê phòng, điện, nước sinh hoạt. Tôi cảm thấy rất ấm lòng!”.

Luôn công khai, minh bạch trong việc hỗ trợ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út, tỉnh luôn xác định công tác an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát danh sách và hỗ trợ cho các đối tượng theo NQ 68 và Nghị quyết số 126/NQ-CP (NQ 126), ngày 08/10/2021 của Chính phủ, bảo đảm hoàn thành trong tháng 12/2021, trên tinh thần hồ sơ nào đến trước thì giải quyết trước, không để tồn đọng.

Người lao động bị ảnh hưởng do dịch được quan tâm hỗ trợ (Ảnh minh họa)

Công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nhất là NQ 68 và NQ 126 được thực hiện kịp thời, liên tục cùng với tuyên truyền đến người dân các khuyến cáo của Bộ Y tế, các quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đến ngày 24-11-2021, các địa phương trong tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 517.174 người thuộc các nhóm đối tượng với tổng kinh phí trên 649,6 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho 218.538 người với số tiền trên 534,4 tỉ đồng.

Thông tin từ UBND tỉnh, trong thời gian đầu, việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 6652/QĐ- UBND được thực hiện đối với 6 nhóm đối tượng cơ bản thuận lợi, người dân đồng tình cao. Tuy nhiên, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị tạm dừng hoạt động, dẫn đến nhiều đối tượng khác cũng bị ảnh hưởng ngoài 6 nhóm đối tượng nêu trên, từ đó gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

Dù được quan tâm triển khai, thực hiện sớm nhưng qua khảo sát, giám sát của HĐND các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, việc thực hiện chính sách hỗ trợ ở một số địa phương còn chậm, nhất là những địa bàn đông dân cư, doanh nghiệp. Việc gửi hồ sơ hỗ trợ người lao động của một số doanh nghiệp không đúng theo mẫu quy định, phải làm lại nên mất thời gian. Một số doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội nên một số người lao động không được nhận hỗ trợ,…

Nhìn chung, cùng với thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển KT - XH, công tác hỗ trợ chăm lo đời sống người dân luôn được các địa phương xem là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài chính sách hỗ trợ theo NQ 68, tỉnh còn hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm, giảm giá điện, nước sinh hoạt và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác, để bảo đảm cuộc sống người dân, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mộc Hóa – Trịnh Thanh Thừa cho hay, ngoài những đối tượng được hỗ trợ theo NQ 68, thời gian qua, phòng tham mưu kịp thời UBND huyện hỗ trợ 146 phần quà cho hộ nghèo, trên 37 tấn gạo cho hộ nghèo và cận nghèo cùng nhiều nhu yếu phẩm, rau, củ, quả,… Hiện tại, phòng tiếp tục tham mưu đề nghị hỗ trợ đối tượng hộ kinh doanh và trẻ em thuộc diện F0, F1 trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp không phải điều dễ dàng. Qua đây có thể khẳng định sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, sự tham gia, hợp tác của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần quyết tâm, tin rằng Long An sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Mọi đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 đều được hỗ trợ, giúp đỡ, không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch./.

Tính đến ngày 24/11/2021, Bảo hiểm Xã hội tỉnh giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 5.237 tổ chức, cơ quan, đơn vị; số lao động được giảm mức đóng là 296.119 người tương ứng với số kinh phí tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm là trên 104,6 tỉ đồng, chiếm 100% so với số dự kiến.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động liên hệ với hơn 2.300 doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động và nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Kết quả, 10/14 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đã được hỗ trợ với số tiền trên 4,6 tỉ đồng.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết