Nhiều người không tin hôn nhân của chị êm ái như lời đồn. Hai vợ chồng đến hơn nửa đời người vẫn dành cho nhau những lời nói ngọt ngào, vẫn xuất hiện cùng nhau ở mọi không gian, và kể về nhau bằng những điều tốt đẹp…
Chuyện đó nghe như trong sách vở. Hễ có điều kiện gần chị, người ta lại tận dụng cơ hội để quan sát thực tế hôn nhân đằng sau vẻ ngoài hoàn hảo đó. Nhưng càng đến gần, càng thấy ở chị có những "nguyên tắc hôn nhân" ngược đời nhưng lại rất đáng suy ngẫm.
Một trong những nguyên tắc đáng giá nhất của chị, là hành xử với cơn giận. Theo chị, nếu chị em chỉ giận bằng… cảm xúc thì sẽ khiến "gia đạo bất ổn liên miên". Cảm xúc sẽ khiến ta dễ nổi giận với sai lầm, xui rủi của bạn đời. Trong khi, cả xui rủi lẫn sai lầm không phải là điều đáng giận.
Chị nói thế, đàn em nghe ngơ ngác. Sai lầm mà không giận thì cái gì mới đáng giận? Chị tiếp, sai lầm chính là thứ mà đôi bên phải tiếp nhận để cùng nhau vượt qua, rút kinh nghiệm, và sống tốt hơn. Khi sai lầm, khổ chủ đã đau khổ, dằn vặt tự trách. Thêm một cơn giận của bạn đời sẽ khiến họ đau khổ hơn, sự việc càng trở nên tồi tệ.
Ảnh minh họa
Trong lúc đó, nếu có một người bình tĩnh ở bên, chỉ cần một câu nói "không sao", rồi vài gợi ý về một viễn cảnh tươi sáng nào đó, có thể khiến họ nhanh chóng vực dậy.
Chị kể, lần đầu tiên đối diện với sai lầm của bạn đời là khi anh nóng nảy vung tay vào một cậu đồng nghiệp trẻ.
Chuyện đình đám khắp khu hành chính huyện. Bản thân chị là nhà giáo, hành vi đó của chồng vừa khiến chị đùng đùng bất bình, vừa khiến uy tín của chị bị ảnh hưởng. Nhưng điều thôi thúc mạnh mẽ nhất trong chị là làm sao để bớt đi cho anh một ánh nhìn chỉ trích.
Về nhà, chị nghe anh khổ sở thuật lại khoảnh khắc bức xúc khi bắt quả tang cậu đồng nghiệp phi tang chứng từ để vu oan cho đồng nghiệp, nhưng tận cùng anh vẫn là tự trách bản thân đã nóng nảy và sai lầm.
Suốt thời gian đó, anh dồn dập với bao phen họp kiểm điểm, kỷ luật, điều tiếng khắp nơi trong cái huyện nhỏ xíu. Chị không một tiếng bênh chồng vì biết cái sai mười mươi, nhưng với riêng anh, chị không một lời trách, không một giây giận dữ, chỉ lắng nghe, động viên và gợi ý cho anh những cách khắc phục…
Chị nói một câu như là triết lý giận: "Người ta đã sai mà còn giận làm gì!".
Chị kể tiếp, sai lầm khủng khiếp tiếp theo của anh là nghe theo bạn bè đầu tư mạo hiểm vào chứng khoán. Gọi là mạo hiểm vì anh không có kiến thức về mảng này. Thế nhưng anh cầm 200 triệu đồng thảy vào sàn, rồi mất gần hết.
200 triệu hồi đó "to đùng", chị mất tiền thì choáng váng, mất ăn mất ngủ, nhưng không một mảy may trách giận. Chị nhớ: "Hồi đó nhìn ảnh vò đầu bứt tai là đủ mệt rồi, giận làm chi nữa".
Thế lẽ nào hôn nhân hạnh phúc là không có một giây giận dỗi nào? Là chín bỏ làm mười, và vô vi toàn bộ trước những điều trái khoáy? Không, chị khẳng định, giận vẫn là một vũ khí, nhưng cần dùng nó thật đúng chỗ.
Và, vũ khí đó được chị dùng vào những tình huống liên quan đến… chất lượng hôn nhân. Ví dụ, anh làm mất 200 triệu đồng thì không sao, nhưng chỉ cần anh nóng nảy, khinh suất, phớt lờ một giao tiếp với vợ, thì anh… ăn đủ.
Lần gần nhất anh bị vợ giận là vì đem căng thẳng ở cơ quan về nhà. Trong bữa cơm, anh như người mất hồn, chỉ tập trung vào điện thoại như chờ một tin nhắn gì đó. Tin nhắn không đến, anh tiếp tục ra phòng khách nằm, phớt lờ mọi hỏi han của vợ con.
Thế là chị giận. Thật dễ để nhận ra điều đó. Chị vẫn làm việc và giao tiếp bình thường, chỉ là không nhìn chồng, không giao tiếp thân mật, cũng không chủ động hỏi han.
Và chỉ cần anh sẵn sàng, chị sẽ nêu ra những vấn đề nghiêm trọng trong cách anh "phớt lờ vợ con, coi thường giao tiếp gia đình, trong khi mỗi ngày cả nhà chỉ có với nhau một buổi tối".
Thờ ơ, trễ hẹn, hứa lèo, nóng nảy với vợ con… là những nguyên nhân sẽ khiến chị giận một cách… bài bản. Tất cả những sai sót trong giao tiếp đều trở nên "nghiêm túc" trong cái nhìn của chị. Theo chị, đó mới là thứ dưỡng chất hôn nhân cần duy trì và bảo vệ.
Nhưng nghịch lý là người ta thường xem đó là "lỗi vặt", không để lại hậu quả. Người ta dễ sốt sắng hạch tội nếu chồng làm mất tiền, nhưng có thể mặc kệ khi chồng lười giao tiếp, không thiện chí kết nối gia đình.
Cứ thế, bản thân người mắc lỗi giao tiếp cũng không có động lực soi mình, khắc phục, để chất lượng hôn nhân trượt dài theo năm tháng…
Ảnh minh họa
Chị tiếp tục phân tích, theo cách này, thì một ông chồng đầu tư sai lầm có thể được vợ ôm vào lòng, nhưng ông chồng giấu vợ đi đầu tư thì cần… bị giận. Chất lượng hôn nhân là điều sẽ chỉ ra cho chị em thấy đâu là những bước căn bản cần đảm bảo, và những việc đó thường bao gồm: sự kết nối, sự tôn trọng và thiện chí vun đắp.
Bất kỳ một lỗi lầm nào phạm vào những điều đó, thì luôn cần một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh tùy theo mức độ nghiêm trọng. Theo chị, những cơn giận đó vừa "nhỏ nhắn, dễ thương", vừa tạo cảm hứng để đôi bên chú tâm vào nhau, và đối phương cũng thấy hào hứng khi họ thừa khả năng khắc phục nó.
Đặc biệt, khi đã có với nhau sự kết nối, tôn trọng và động lực vun đắp, thì mọi sai lầm đều có thể khắc phục, mọi xui rủi đều có thể vượt qua, mọi câu chuyện to tát khác cũng trở nên bình lặng và êm ái, khi họ trở về nhà…
Chị nói, đó chỉ là một phương pháp của cá nhân, có thể không đúng với mọi người, nhưng nghe xong câu chuyện ấy, mọi bà vợ trẻ đều nhận ra rằng hạnh phúc dài lâu đâu phải ngồi mộng mơ là có, mà người ta phải gìn giữ bằng tất cả sự hiểu biết./.
nld.com.vn(Theo phunuonline.com.vn)