Tiếng Việt | English

29/08/2016 - 09:39

Gian nan đi tìm chữ

Mặc dù cách trung tâm huyện chỉ hơn 6 km đường bộ nhưng con đường tìm chữ của học sinh ở xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An lắm gian nan, vất vả. Hàng năm, khi năm học mới bắt đầu, hàng trăm học sinh nơi đây lại phải “cậy” phà đến lớp...


Các em xếp hàng đợi phà mỗi bận đến trường

"Cậy" phà đến lớp

Nằm bên bờ Tây con kênh Bo Bo, 2 ngôi trường gần kề nhau mang tên Trường Tiểu học Tân Thành và Trường THCS Tân Thành là nơi tìm chữ của con em ở địa bàn 5 ấp trong xã và một phần của xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa. Tuy nhiên, con đường tìm chữ của các em lại nhọc nhằn vì đa số học sinh thuộc địa bàn ấp 3 và xã Tân Lập phải “cậy” phà qua kênh mỗi bận đến trường.

Sáng, 6 giờ 15 phút, bến phà nhỏ bên đây bờ kênh Bo Bo đông nghẹt học sinh đứng chờ phà qua lớp. Đến 6 giờ 45 phút, chiếc phà mới nổ máy đưa các em qua kênh vào lớp học. Dù chỉ cách trường một con kênh chưa đến 30m nhưng các em phải đợi gần 30 phút mới đến trường được.

“Chủ phà chỉ đưa khi có đông học sinh chứ không đưa lẻ tẻ vài bạn. Vì vậy, mỗi sáng, tụi em đến sớm phải xếp hàng đợi. Năm học vừa rồi, trong một buổi học phụ đạo, vì chỉ có em và một vài bạn nên phà không đưa. Khi chờ đông hơn để đưa qua thì tụi em trễ giờ học và bị cô giáo phạt” - Trần Thị Cẩm Tiên, học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Thành cho biết.

Trống trường bên kia kênh Bo Bo điểm báo hiệu giờ vào lớp nhưng bên này còn vài ba em nhỏ trong đồng phục học sinh đứng đợi phà. Lê Thị Anh Thư, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Tân Thành mếu máo: “Sáng nay, xe đạp của con bị hư, phải đợi sửa nên con đi học trễ. Ngày thường, con đến bến phà là 6 giờ 30 phút nhưng hôm nay 7 giờ, con mới tới. Vì có mình con nên phải đợi thêm vài bạn nữa thì phà mới đưa. Con sợ bị cô phạt vì mới ngày thứ 2 đến trường trong năm học mới mà đi trễ”.

Đến trường phải “cậy” phà quá gian nan nên nhiều năm qua, phụ huynh, học sinh, giáo viên của 2 trường và lãnh đạo địa phương đều mong mỏi được xây dựng một cây cầu bắc qua kênh Bo Bo để các em không còn phải đợi phà mỗi khi đến lớp. Cũng theo Cẩm Tiên, trong Diễn đàn trẻ em do huyện tổ chức vào mùa hè vừa qua, các em bày tỏ ước mơ về một cây cầu bắc qua kênh Bo Bo phía trước cổng trường.

Còn anh Nguyễn Thanh Phước, ở ấp 3 chia sẻ: “Thương tụi nhỏ mỗi khi tan trường, dù nắng hay mưa cũng gồng mình đợi phà đưa qua kênh để phụ huynh rước về. Còn buổi sáng, khi đưa đi học, nhiều phụ huynh cũng như tôi phải chờ phà cùng con, đợi con lên bờ đi bộ vào trường rồi mới ra về. Nếu có được cây cầu, thời gian đến lớp của các em chỉ mất vài phút, không phải chờ đợi như hiện nay”.


Chiếc phà nhỏ nhưng mỗi lần đưa qua sông đến lớp đều đông nghẹt học sinh nên rất nguy hiểm

Trường THCS và Tiểu học Tân Thành với hơn 400 học sinh thì có hơn một nửa ở bên kia bờ kênh Bo Bo, phải “cậy” phà qua sông đi học. Mỗi bận qua sông là mỗi lần chờ đợi, là những nguy hiểm đang rình rập.

Hiểm nguy rình rập

Mong mỏi về một cây cầu bắc qua dòng kênh Bo Bo không chỉ sẽ rút ngắn thời gian đến lớp, đỡ phải đợi chờ mà con đường tìm chữ của các em sẽ không còn những hiểm nguy rình rập như bây giờ. Bởi, dù sống ở vùng sông nước nhưng đa số các em đều không biết bơi. Trong khi đó, đường xuống phà khá dốc, nếu gặp mưa hoặc vào mùa nước nổi thì vừa trơn, vừa khó đi. Ngoài ra, chiếc phà tròng trành, nhỏ hẹp, trên phà chỉ trang bị lèo tèo vài áo phao nhưng vào thời điểm đến trường và tan trường, mỗi chuyến phà lại chở 35-40 học sinh. Đây thực sự là mối nguy hiểm.

Bà Phạm Thị Toàn, ở ấp 3 cho rằng: “Khi lên phà, học sinh đùa giỡn nên từng có đứa bị trượt chân té xuống nước, phải kéo lên. Khi chen chúc nhau xuống phà, có đứa té xuống nước ướt hết áo quần nên quay về và nghỉ buổi học hôm đó, nguy hiểm nhất là đối với học sinh tiểu học, các cháu còn nhỏ, đa phần lại không biết bơi”.

Dù phà không đủ điều kiện hoạt động, người điều kiển phà chưa có bằng lái nhưng phà qua kênh Bo Bo vẫn tồn tại hàng chục năm qua, bởi nếu không có chiếc phà này thì cũng không ai tình nguyện đưa rước các em qua sông với giá rẻ 150.000 đồng/học sinh/năm. Ông Ngô Đình Trung, chủ phà cho biết: “Tôi làm nghề đưa phà cho các cháu qua kênh đến trường hơn 10 năm. Dù lấy giá rẻ như vậy nhưng cũng có đứa đóng, đứa không. Số tiền này chỉ đủ chi phí xăng dầu hàng ngày và sửa chữa phà. Tôi cũng mong sao có một cây cầu bắc qua kênh để các cháu đi học dễ dàng hơn”.

Ước mơ về một cây cầu có lẽ khó thành hiện thực bởi theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành - Trần Thanh Hiền, kênh Bo Bo là nơi tàu thuyền qua lại khá nhiều, nếu xây dựng thì phải xây dựng một cây cầu dài, có độ cao bảo đảm cho tàu thuyền lưu thông nên kinh phí khá cao. Điều này nằm ngoài khả năng vận động của địa phương vì nơi đây đất rộng, người thưa, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, địa phương cần lắm sự hỗ trợ, đầu tư từ cấp trên. Có như vậy, địa phương bớt băn khoăn, lo lắng khi năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh bỏ học của 2 trường này gần 10%, mà một trong những nguyên nhân là đường đến trường còn lắm khó khăn, vất vả./.

Thùy Hương 

Chia sẻ bài viết