Tiếng Việt | English

04/11/2023 - 14:10

Giao thông đi trước, mở đường cho nông thôn phát triển

Giao thông là tiêu chí (TC) quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bởi hạ tầng giao thông là điều kiện cơ bản góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Vì vậy, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Long An tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư; đồng thời, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và nguồn lực trong nhân dân để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT).

Đổi thay diện mạo nông thôn

Xác định phát triển hạ tầng GTNT là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ là "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển KT-XH mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Thời gian qua, hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, bảo đảm đi lại thuận lợi đến trung tâm các xã.

Ngày càng có nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bêtông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân

Đến xã biên giới Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, chúng tôi thấy diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Nhiều tuyến đường đất, cầu gỗ ọp ẹp ngày nào giờ được nhựa hóa, xây dựng kiên cố kết nối với các địa phương, khu vực sản xuất nông nghiệp, nhất là các tuyến GTNT kết nối với các trục xã, trục ấp, trục chính nội đồng tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Ông Đặng Văn Mẫm (ấp Thái Kỳ, xã Thái Trị) chia sẻ: “Giao thông bây giờ vô cùng thuận lợi, đường trục xã nối liền tận huyện, ấp liền ấp, xóm liền xóm, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng hơn. Công nhân, học sinh đi làm, đi học về khuya cũng đỡ vất vả và an tâm hơn”.

Chính quyền và người dân xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng thường xuyên vệ sinh, phát quang các tuyến đường giao thông trên địa bàn

Thông tin từ UBND xã Thái Trị, đến nay, có 9,65km đường trục xã đã được nhựa hóa 100%; 11,1/11,6km đường trục ấp đã được nhựa hóa và 0,5km được cứng hóa bằng sỏi đỏ. Toàn xã cũng có 8 tuyến đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài 14,8km, hiện đã cứng hóa bằng cấp phối sỏi đỏ. Tổng kinh phí để nâng cấp các tuyến đường là trên 49,1 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp trên 2,7 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND xã Thái Trị - Bùi Đức Thọ cho biết, do nguồn lực của địa phương có hạn, cộng với địa bàn khá rộng, kênh, rạch chằng chịt nên nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thì không thể cùng lúc vừa hoàn thành các tuyến đường mới, vừa duy tu, nâng cấp các tuyến đường cũ để bảo đảm hệ thống GTNT thông suốt. Vì thế, xã triển khai nhựa hóa, cứng hóa GTNT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc mở rộng đường GTNT, từ đó đồng thuận hiến đất, đóng góp kinh phí thực hiện công trình.

Đến nay, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa đạt 10/19 TC NTM, trong đó TC giao thông vẫn là TC khó của xã. Xã đang tập trung dồn sức, phấn đấu hoàn thành các TC để "về đích" NTM trong năm 2024.

Xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa đang nỗ lực thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới

Thông tin từ UBND xã Tân Hiệp, địa bàn xã có nhiều kênh, rạch nên việc đi lại của người dân khá khó khăn. Từ khi XDNTM, hệ thống đường giao thông được nhựa hóa, bêtông hóa, trải đá xanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại thông suốt giữa các ấp và các xã lân cận. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, diện mạo của xã ngày càng khởi sắc. Người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập.

Ông Trần Văn Khởi (ấp 3, xã Tân Hiệp) phấn khởi nói: “Trước đây, người dân muốn đi đâu phải sử dụng xuồng hoặc đi bộ, giờ thì đường bêtông thông suốt, chỉ cần lên xe máy chạy một lúc là đến nơi. Đời sống người dân cũng nhờ vậy mà khấm khá, sung túc hơn trước rất nhiều. Tôi rất vui mừng khi thấy địa phương mình "thay da, đổi thịt" như hôm nay”.

Đời sống người dân được nâng lên

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, toàn tỉnh hiện có 8.827,2km đường giao thông. Trong đó, đường bêtông nhựa khoảng 523,9km (chiếm 5,9%); đường đá dăm nhựa 3.244,1km (chiếm 36,8%); đường bêtông xi măng 1.587,7km (chiếm 18,0%); đường cấp phối 2.352,5km (chiếm 26,7%); đường đất 1.119km, chiếm 12,7%. Đến nay, toàn tỉnh có 128/161 xã (chiếm 79,5%) đạt TC giao thông theo Bộ TC xã NTM, trong đó có 72/161 xã (chiếm 44,72%) đạt TC giao thông theo Bộ TC xã NTM nâng cao; 4/13 huyện (chiếm 30,8%) đạt TC giao thông theo Bộ TC huyện NTM.

Cầu giao thông nông thôn được xây bằng bêtông kiên cố

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư khang trang, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải; các tuyến đường trục xã, trục ấp được người dân trồng hoa, cây xanh ven đường, tạo vẻ đẹp cảnh quan cho khu vực. Ông Dương Văn Nhẫn (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) bộc bạch: "Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp mà các tuyến đường làng, ngõ xóm được nâng cấp, mở rộng. Qua đó, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang; người dân có điều kiện đi lại, giao lưu học hỏi và tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Trên cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư, các địa phương đã tập trung khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, nâng cao đời sống người dân. Với việc chú trọng đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, tạo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần đưa các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Với sự vận dụng linh hoạt các nguồn lực đầu tư phát triển, giao thông tiếp tục giữ vai trò “đi trước mở đường”, tạo "đòn bẩy" cho phát triển KT-XH của tỉnh./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Web Tra cứu phạt nguội Nhanh ChóngHướng dẫn cách đặt hàng taobao