Giới trẻ thích thú với các hoạt động tại lễ hội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Diễn ra từ 30/11 đến 2/12 tại khu đô thị Starlake Hồ Tây, lễ hội Văn hóa và Ẩm thực Việt - Hàn 2018 đã thu hút hàng vạn lượt người tham gia, đem tới cơ hội khám phá những nét văn hóa đặc sắc của xứ sở kim chi, gồm cả văn hóa trình diễn và ẩm thực.
Chia sẻ nền văn hóa đồng văn cũng như nền văn minh lúa nước, rượu gạo truyền thống Makgeolli của Hàn Quốc (có nồng độ cồn dưới 7%) vì thế cũng dễ dàng chinh phục giới trẻ Việt Nam.
Điều đó được thể hiện qua việc doanh số makgeolli được bán tại thị trường Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua, không chỉ để phục vụ cộng đồng người Hàn Quốc, mà con cả với giới trẻ bản xứ.
Mẫu mã đa dạng, nhiều hương vị khác nhau, và nhất là có nồng độ cồn nhẹ, thậm chí có loại chỉ như nước giải khát thông thường, makgeolli thu hút rất đông 'tín đồ', giống như trong các bộ phim Hàn Quốc gây sốt tại Việt Nam.
Trong ba ngày diễn ra sự kiện, quầy hàng của các doanh nghiệp makgeolli hàng đầu Hàn Quốc gồm Kooksoondang, Seoul Jangsoo và Woorisool thu hút rất đông thực khách, những người muốn trải nghiệm nền văn hóa xứ sở kim chi thông qua thứ đồ uống quen mà lạ này.
Gian hàng của Hiệp hội Rượu gạo (Makgeolli) Hàn Quốc thu hút rất đông thực khách vì những sản phẩm độc đáo và ngon miệng. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
“Trong chiều dài lịch sử phát triển 5.000 năm, rượu gạo truyền thống Hàn Quốc gắn liền với đời sống văn hóa người dân Hàn Quốc khi vui cũng như khi buồn. Rượu gạo của chúng tôi mang nhiều ý nghĩa hơn là đồ uống và đặc biệt tốt cho sức khỏe. Rượu gạo Hàn Quốc xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới. Trước khi uống phải lắc đều rượu thì uống tốt hơn. Trong chai rượu gạo Hàn Quốc ở dưới có gạo, đó là phần men vi sinh chứa nhiều chất sơ có lợi cho sức khỏe, làm đẹp da và có nhiều chức năng khác như giảm cân…, ” Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu rượu gạo Hàn Quốc Park Seong Kee chia sẻ bên lề lễ hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Hàn 2018.
Được biết, rượu gạo của Hàn Quốc được chôn cất sâu dưới đất, lấy nước dưới độ sâu 250m, sản xuất theo dây truyền khép kín…
"Gần đây, thói quen uống rượu trên toàn cầu đã thay đổi, từ tiêu thụ các loại rượu nặng sang các loại thức uống có độ cồn nhẹ hơn," ông Kim Jong Seung, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Seoul Jangsoo chia sẻ.
Các doanh nghiệp makgeolli có buổi gặp gỡ phóng viên, báo chí trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Hàn 2018.
"Chúng tôi đang phát triển các loại rượu gạo có độ cồn dưới 7% với các hương vị đa dạng, và chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để nâng cao khối lượng xuất khẩu bằng cách đáp ứng sở thích của người dân địa phương," ông này nói thêm.
Chính vì nắm bắt được nhu cầu thị trường Việt Nam cũng là một quốc gia có văn hóa tiêu thụ gạo, và rượu gạo làm từ gạo lên men, nên ông Kim Jong Seung cho rằng việc các công ty sản xuất rượu gạo Hàn Quốc nhắm tới thị trường Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở và tiềm năng.
"Chúng tôi đã ghi nhận sản lượng 3 triệu chai rượu gạo tính từ năm 2009, khi chúng tôi bắt đầu xuất khẩu rượu sang Việt Nam," ông Kim Jong Seung thông tin thêm.
Vẻ đẹp xứ Hàn cũng có dịp tỏa sáng tại lễ hội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Trong khuôn khổ lễ hội Văn hóa và Ẩm thực Việt-Hàn 2018, với khẩu hiệu "Hãy thưởng thức ẩm thực và văn hóa,” có rất nhiều sự kiện đa dạng đã được diễn ra tiêu biểu như chương trình biểu diễn nhạc Pop Hàn Quốc, giới thiệu ẩm thực và văn hóa truyền thống Hàn Quốc…
Lễ hội do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đồng tổ chức, nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Các món ăn được giới thiệu tại đây sẽ khiến thực khách phải 'chết mê chết mệt' vì độ hấp dẫn và rất mang tính đặc trưng của cả hai đất nước. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Theo TTXVN