Tiếng Việt | English

03/12/2017 - 00:23

Giữ bình yên biên giới

Qua 5 năm thực hiện mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”, người dân cung cấp 159 nguồn tin có giá trị, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Về ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự thay đổi của nơi đây. Con đường từ trụ sở UBND xã Bình Hòa Tây về ấp Bình Bắc được tráng bêtông sạch sẽ. Bức tranh vùng biên càng thêm thanh bình với những hàng cây trái quanh nhà dân. Và ở nơi đây, người dân sống đoàn kết, chan hòa, giữ bình yên vùng “phên giậu” bằng việc tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.


Các lực lượng tham gia tuần tra bảo vệ an ninh, trật tự biên giới

Ông Trương Văn Rương - người dân ấp Bình Bắc, cho biết: “Tôi sống gần cả đời ở vùng đất này. Ở đây, người dân tích cực sản xuất và đoàn kết cùng bảo vệ từng tấc đất quê hương. Từ khi lực lượng công an phối hợp biên phòng và quân sự triển khai mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”, người dân tích cực hưởng ứng. Mỗi khi có vụ việc bất thường xảy ra, chỉ cần tiếng kẻng vang lên, người dân nhanh chóng có mặt, hỗ trợ chính quyền địa phương giữ vững ổn định an ninh, trật tự.

Phó Bí thư Đảng ủy xã - Hoàng Thị Thùy Như cho biết: Bình Hòa Tây có đoạn biên giới dài 4,5km, toàn xã có 5 ấp, trong đó có 1 ấp thuộc địa bàn biên giới. Những năm qua, KT-XH của xã không ngừng phát triển, đời sống người dân được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Người dân trên địa bàn xã tích cực tham gia các phong trào do chính quyền địa phương phát động.

Nhằm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các lực lượng phối hợp, phân công cụ thể từng thành viên tổ chức thực hiện mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”, góp phần hạn chế các loại tội phạm.

Đến nay, 100% hộ dân cam kết thực hiện hiệu quả mô hình, 40 hộ đăng ký tự quản đường biên, cột mốc; 1.525 hộ đăng ký tự quản an ninh, trật tự. Ban chỉ đạo thường xuyên kiểm điểm, đánh giá chất lượng hoạt động của mô hình, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để có biện pháp khắc phục, củng cố phong trào.

Qua 5 năm thực hiện mô hình, người dân cung cấp 159 nguồn tin có giá trị, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia./.

T.Phượng 

Chia sẻ bài viết