Một chiều êm ả! Cạnh dòng sông xanh mát, ông già tóc bạc phơ lại dạo phím đàn cho cô bé Hoàng Oanh cất vang điệu Phụng Hoàng “Nhớ cha”. Không riêng gì chiều hôm ấy mà những lúc rảnh rỗi, 2 ông cháu lại cùng nhau đờn ca, hát xướng để thỏa đam mê và thư giãn sau những mệt nhoài của cuộc sống. Suốt 17 năm từ khi cất tiếng khóc chào đời đến nay, tâm hồn cô bé Hoàng Oanh được nuôi dưỡng bằng tiếng đờn, câu hát của ông nội. Để rồi, ĐCTT đã ngấm vào máu thịt, trở thành niềm đam mê của Hoàng Oanh lúc nào chẳng hay.
Đó là năm em tròn 6 tuổi, theo lời kể của bà Nguyễn Thị Định - bà nội Hoàng Oanh, những buổi trưa hát ru em ngủ, Hoàng Oanh nói với bà “để con hát cho bà nghe”. Thế là, cô bé bập bẹ mấy câu dân ca của bài Bông điên điển. Rồi, một hôm đang ngồi chơi ở góc nhà, nghe ông nội đàn bài Vọng cổ “Lá trầu xanh”, cô bé lại hồn nhiên hát theo nhịp đàn. Ngạc nhiên, ông nội hỏi: “Sao con lại biết hát bài này?”. Cô bé trả lời trọn lỏn: “Mấy lần ông tập tuồng, con đứng bên ngoài học lỏm nên thuộc và hát theo”. Thấy cô bé có năng khiếu và tố chất hát ĐCTT, ông dạy Hoàng Oanh học hát bài bản, đúng nhịp. ĐCTT từ đó đến với em như một duyên nợ. Và, mỗi tối khi ông nội tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, Hoàng Oanh đều đi theo và năn nỉ những người bạn cùng chơi của ông cho hát 2 bài mới chịu.
Ngoài ông nội - người thầy đầu tiên đã truyền lửa đam mê và nắn nót cho em từng nhịp điệu thì cô Hồng Cúc là người đã dạy em những bài bản nhỏ đầu tiên trong ĐCTT. Năm đó, Hoàng Oanh bắt đầu học lớp 2. Sau những lớp dạy của cô Hồng Cúc, lúc lên lớp 4, Hoàng Oanh tiếp tục trở thành học trò của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ánh Hồng trong một lớp dạy hát tài tử, cải lương của Nhà Thiếu nhi. “Lớp học khi ấy toàn mấy cô chú lớn tuổi, duy nhất mình em là nhỏ tuổi nhưng lại là học viên theo suốt lớp học. Thấy em đam mê, cô Ánh Hồng đã giới thiệu em tham gia Đội Đồng ấu Sen Hồng của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Vui nhất là cô giới thiệu em quay những phim truyện cải lương của Đài Truyền hình TP.HCM như vở Ánh sáng phù du, Không là cát bụi,...” - Hoàng Oanh chia sẻ.
Bắt đầu bước chân lên sân khấu, ngoài chinh phục khán giả, Hoàng Oanh còn diễn xuất tốt. Lối diễn tập trung, gửi hồn vào nhân vật của cô bé được NSƯT Ánh Hồng truyền dạy suốt thời gian theo học ở lớp. Nhưng chỉ gắn bó với ánh đèn sâu khấu một thời gian, khi ngày càng lớn, chuyện học hành ở trường cũng càng nhiều, Hoàng Oanh chỉ còn tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ ĐCTT của phường 2 và TP.Tân An. Hằng tuần, vào mỗi tối thứ sáu, 2 ông cháu lại chở nhau đi sinh hoạt. Mỗi lần như vậy, tình yêu với loại hình nghệ thuật tâm tấu này lại được hâm nóng và trở thành dòng chảy không ngừng trong trái tim Hoàng Oanh. Nhưng đam mê không có nghĩa lơ là việc học. Hoàng Oanh khoe: “Năm nay, em được xếp loại học sinh tiên tiến”. Ngoài ra, ở Trường THPT Tân An mỗi khi có chương trình văn nghệ, Hoàng Oanh đều là gương mặt tích cực tham gia, góp vui bằng những bài vọng cổ em yêu thích.Chỉ còn 1 năm nữa là bước vào năm học cuối cấp nên để vừa học tốt, vừa duy trì niềm đam mê đờn ca hát xướng, Hoàng Oanh phải sắp xếp thời gian hợp lý. Có những lần vắng mặt sinh hoạt ở câu lạc bộ nhưng khi trung tâm mời tham gia các cuộc liên hoan ĐCTT, nhà trường, gia đình luôn tạo điều kiện cho em. Hoàng Oanh từng tham gia và “ẵm” giải Bạc giải Gương mặt triển vọng trẻ tại Liên hoan ĐCTT tỉnh Kiên Giang lần thứ 20, Liên hoan ĐCTT Nam bộ,... Trong những lần liên hoan này, em đã chinh phục Ban Giám khảo, để lại ấn tượng trong lòng người xem không chỉ là yếu tố trẻ tuổi mà còn bởi chất giọng, cách hát, lối diễn chững chạc. Với giọng thổ, Hoàng Oanh làm người nghe lắng lòng bởi sự bi ai, buồn bã khi em trình bày những điệu Bắc, Nam, Oán, Hạ,... Khi hỏi về quá trình tập luyện, Hoàng Oanh chỉ cười bảo: “Theo em, hát ĐCTT không khó, tùy vào năng khiếu, tố chất. Khi hát, chỉ cần gửi hồn vào lời ca và xuống đúng nhịp thì cả tiếng đờn, lời ca sẽ hòa quyện vào nhau”.
Trong khi không ít giới trẻ đang dần quay lưng với những loại hình nghệ thuật truyền thống thì cô bé tuổi 17 nặng tình với ĐCTT như Hoàng Oanh là một nhân tố hiếm! Niềm đam mê ấy cứ như ngọn lửa không bao giờ tắt như lời sẻ chia chân thành, mộc mạc của cô bé: “Từ nhỏ, em đã được nghe lời ca, tiếng đàn của ông nội. Chính giai điệu ngọt ngào, trầm lắng, dễ đi vào lòng người của thể loại ĐCTT đã hút hồn em từ những ngày còn bé. Niềm đam mê ấy đã đến với em như một điều tự nhiên mà mai này, em sẽ giữ gìn, nâng niu cũng như phát huy loại hình được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”.
Thùy Hương