Tiếng Việt | English

27/02/2018 - 04:57

Giữ sạch áo blouse

Khi nói hai từ “blouse trắng”, ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh người thầy thuốc, rộng hơn là cả ngành Y tế. Màu trắng của áo blouse đã được cộng đồng thần tượng hóa thành sự trong sáng và cao cả vì đặc trưng cứu giúp người của nghề Y. Blouse trắng trở thành biểu tượng của người làm nghề Y.

Một khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, người thầy thuốc luôn tự hào, hãnh diện vì được xã hội trân trọng. Nhưng người xưa cũng có dạy: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, không phải mặc áo blouse trắng là nghiễm nhiên anh trở thành bác sĩ giỏi, được mọi người yêu thương, kính nể, mà anh phải học cật lực, lao động hết mình, thường xuyên trau dồi tay nghề và quan trọng nhất là phải có cái tâm của người thầy thuốc, luôn hành nghề vì bệnh nhân, biết khổ với nỗi khổ của bệnh nhân, biết thương tiếc, ray rức khi bệnh nhân “ra đi”…

Mỗi năm, đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), không chỉ với ngành Y mà cả xã hội luôn nhắc nhở về những danh y sáng ngời phẩm chất để lại cho đời sau nhiều bài học quý báu về hành nghề, về y đức; tên tuổi của các danh y không chỉ tôn vinh trong nước mà còn được bạn bè năm châu biết đến, kính phục.

Phải kể ngay đến danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tấm gương sáng về đức độc hy sinh, thương yêu bệnh nhân để ngàn đời noi theo; danh y Tuệ Tỉnh được tôn vinh là Y tổ thuốc Nam với triết lý hành nghề: “Nam dược trị nam nhân” nổi tiếng khắp thế giới; Giáo sư Đặng Văn Ngữ có nhiều sáng tạo, công trình khoa học thiết thực, đóng góp to lớn trong việc cứu chữa thương binh, bệnh binh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, điều chế dung dịch penicillin chữa vết thương trong hoàn cảnh chiến tranh, thiếu thốn; Giáo sư-Bác sĩ Tôn Thất Tùng vang danh thế giới với những công trình khoa học nghiên cứu về gan và phẫu thuật ghép gan,…

Những “cây đa, cây đề” trong ngành Y tế Việt Nam như những tấm gương chói sáng, làm trắng thêm màu trắng của áo blouse, của người thầy thuốc chân chính.

Trong những ngày còn nồng nàn sắc xuân, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, báo chí trong nước đăng tải “Những tấm gương thầm lặng” trên khắp mọi miền Tổ quốc. Xúc cảm biết bao với những hình ảnh “người thật, việc thật” của chiếc áo blouse trắng băng suối, vượt núi mang từng liều vaccin tiêm phòng cho người dân tộc còn lắm khó khăn, thiếu thốn. Ngưỡng mộ biết bao vị bác sĩ bám huyện đảo hết lòng vì người dân đến đỗi họ không chịu cho người thầy thuốc chuyển về đất liền,…

Đó là những tấm gương xưa - nay làm rạng danh nghề Y, làm đẹp cho đời, vun bồi cho truyền thống tốt đẹp, lung linh hình ảnh áo blouse trắng trong tiềm thức và trong cuộc sống đời thường.

Song trong thực tế ngành Y tế Việt Nam vẫn còn những bất cập, tiêu cực ở một số người hành nghề. Nhiều người không khó nêu ra những vụ tiêu cực, thậm chí những vụ án hình sự nghiêm trọng làm tổn thương không chỉ trong ngành Y mà cả xã hội,...

Đó là những cá nhân không trụ vững trước cơ chế thị trường, đã để đồng tiền làm lu mờ cái tâm của người thầy thuốc. Hay nói cách khác, sự khắc nghiệt của thị trường đã làm lộ rõ những thầy thuốc “vô tâm”. Liệu họ có tìm thấy sự thanh thản hay không khi kê những toa thuốc “khủng”, đã vì đồng tiền và sự giàu sang mà phản bội lời thề Hyppocrates; đáng lên án hơn là những thầy thuốc tắc trách, coi thường sinh mạng của người bệnh, đi ngược lại trách nhiệm cứu người,…

“Con sâu làm rầu nối canh”, câu tục ngữ này áp dụng vào đây quả là phù hợp. Nhưng không phải vì những “con sâu” mà chúng ta đánh đồng cả một ngành nghề. Đã có biết bao người hành nghề Y chân chính từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng núi cao đến đồng bằng, ra tận hải đảo thân yêu,… Hằng ngày, hằng giờ họ cặm cụi làm việc, lao động cật lực, chiến đấu với tử thần để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của bệnh nhân. Họ là những người góp phần giữ trắng, sạch màu áo blouse, để ngành Y xứng đáng với câu “Thầy thuốc như mẹ hiền”./.

Nguyễn Lang

Chia sẻ bài viết