Sông Ngàn Sâu dâng cao, nhấn chìm nhiều ngôi nhà dân. (Ảnh: Việt Hoàng/Vietnam+)
Từ ngày 30/10 đến cuối giờ chiều 1/11, ở Hương Khê (Hà Tĩnh) mưa to trên diện rộng, nước dâng cao, nhiều hộ gia đình phải di dời khẩn cấp, giao thông bị chia cắt, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn. Người dân ở đây đang gồng mình chống chọi với lũ.
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê, toàn huyện có xã Phương Mỹ bị cô lập, 7 xã cô lập nhiều điểm, di dời khẩn cấp hơn 2.582 hộ dân, nhiều trụ sở xã, trường học, trạm y tế và Hội quán thôn bị ngập. Các trường học trên địa bàn huyện phải ra thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày mồng.
Xã Phương Mỹ (Hương Khê) bị ảnh hưởng lũ nặng nhất, toàn xã cô lập hoàn toàn và bị cắt điện, 47 hộ phải di dời lên vị trí cao an toàn. Ông Hoàng Xuân Tần, chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phương Mỹ cho hay: Hiện nay nước lũ dâng cao, các tuyến đường tê liệt, muốn vào xã phải đi bằng xuồng máy. Đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn khi “lũ chồng lũ".
Nhà đã ngập, vợ chồng anh Nguyễn Văn Luyến vẫn ở lại để bảo vệ tài sản. (Ảnh: Việt Hoàng/Vietnam+)
Trận lũ diễn ra từ ngày 13-20/10 đi qua, gây thiệt hại về tài sản hơn 7 tỷ đồng, ngập 262 hộ. Người dân chưa kịp khôi phục về nhà cửa thì ngày 30/10 trên địa bàn lại tiếp tục có mưa to và nước sông Ngàn Sâu dâng cao, gây lụt diện rộng. Chính quyền xã huy động các lực lượng giúp người dân di chuyển lên vị trí an toàn và hỗ trợ đồ ăn, nước uống cho các hộ dân chống chọi với lũ.
Hộ ông Ngô Xuân Lai ở xã Phương Mỹ phải di dời đến nhà người thân ở trên cao tránh lũ. Ông Lai cho biết: “Nhà tôi có 4 khẩu, ở chỗ thấp nên lũ về thì phải chủ động di dời, bảo đảm an toàn về con người. Nhà cửa, vật nuôi và tài sản đã chìm trong lũ. Người dân vùng “rốn lũ” như chúng tôi rất khốn khổ."
Xuồng cứu hộ của Ban chỉ huy quân sự huyện Hương Khê đi kiểm tra các điểm ngập và vận động người dân tiếp tục di dời đến nơi an toàn. Hộ anh Nguyễn Văn Luyến, 36 tuổi ở thôn Thượng Sơn, xã Phương Mỹ dù nước ngập đến mái, nhưng vợ chồng “cố thủ” để bảo vệ tài sản. Anh Luyến cho biết: “Tôi gửi các con lên nơi an toàn, nước dâng cao gần 3m, vợ chồng vẫn ở lại để bảo vệ tài sản. Nếu mưa to, nước dân cao thì đành bỏ lại tài sản mà đi."
Cũng như nhiều hộ dân bị tổn thất về tài sản của huyện Hương Khê, gia đình anh Hoàng Văn Thể ở thôn 9, xã Hà Linh (Hương Khê) đã bị trận lũ trước cuốn trôi 2 ao cá, trị giá hơn 10 triệu đồng. Lũ đi qua, anh Thể mua 3 triệu đồng cá giống về thả, nhưng sau 10 ngày lũ lại tới và 1 ao cá bị cuốn trôi. Trời mưa to, cả gia đình anh phải mua lưới, rào chắn để bảo vệ áo cá còn lại. Vợ anh Thể rưng rưng nước mắt, nói: “Người dân chúng tôi rất khổ, đời sống nghèo lại càng nghèo thêm".
Nhiều tuyến đường đi các xã của huyện Hương Khê bị ngập. (Ảnh: Việt Hoàng/Vietnam+)
Đứng ở đầu xã Hà Linh để chờ xuồng vào xã Phương Mỹ, phóng viên TTXVN chứng kiến “hạnh phúc trong cơn lũ” của chú rể Bùi Như Sơn và cô dâu Lê Ngọc Hằng. Đường về Phương Mỹ ngập nước, xe hoa không vào được, cô dâu, chú rể và người thân đội mưa chờ xuồng ra đón. Đường từ xã Hà Linh vào xã Phương Mỹ, nếu không ngập nước chỉ đi 20 phút, còn đi xuồng phải mất 1 giờ 30 phút. “Ngày cưới đã định trước, dù mưa to, lũ về, tôi vẫn phải tổ chức rước dâu. Cưới trong lũ, dù vất vả, nhưng vợ chồng tôi sẽ có kỷ niệm”, anh Sơn chia sẻ.
Phóng viên phải di chuyển đến 3 vị trí mới có xuồng từ xã Phương Mỹ ra đón vào. Ngồi trên xuồng máy chạy ì ạch, mặt nước gợn sóng, phóng viên không khỏi lo lắng. Sông Ngàn Sâu dâng cao khoảng 2,5m, nhấn chìm nhiều ngôi nhà trong biển nước mênh mông. Nước sông đục ngầu, chảy siết, xác động vật và các vật dụng gia đình trôi đầy trên mặt sông. Tại trụ sở xã Phương Mỹ, hàng cứu trợ vẫn còn chất đống, chưa kịp chuyển đi hỗ trợ người dân.
Trao đổi về công tác chủ động phòng chống thiên tai ở vùng “rốn lũ,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phương Mỹ cho rằng: “Các cấp chính quyền cần xây dựng khu dân cư chống lũ để di dời người dân an toàn khi có lũ. Nhà nước hỗ trợ người dân xây dựng nhà chòi chống lũ, bảo đảm về chỗ ở lâu dài cho dân”. Tuy nhiên, ông Tần cho biết: “Do ở vùng thường xuyên xảy ra lũ nên người dân đã chủ động '4 tại chỗ – phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ' nên không thiệt hại về người".
Xã Phương Mỹ chở nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân.. (Ảnh: Việt Hoàng/Vietnam+)
Cuối giờ chiều ngày 1/11, ở Hương Khê vẫn có mưa to, nước sông Ngàn Sâu dâng lên cao hơn. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê, Lê Ngọc Huấn nhận định: “Mưa nặng hạt và kéo dài, tình hình sẽ diễn biến phức tạp hơn. Huyện huy động tất cả các lực lượng trực 24/24 giờ để nắm bắt tình hình và ứng phó kịp thời khi tình huống xấu xảy ra”./.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê, trận lũ diễn ra ngày 13-20/10, có 10.382 hộ ngập, tổng thiệt hại trên địa bàn huyện ước tính 251 tỷ đồng. |
TTXVN