Tiếng Việt | English

14/11/2015 - 10:03

Hiệu quả công tác tuyên truyền đối với người dân vùng biên

Trong công tác phân giới cắm mốc (PGCM) và bảo vệ biên giới bình yên, các cấp, các ngành tích cực vận động quần chúng nhân dân vùng biên hăng hái tham gia giữ gìn, bảo vệ biên cương Tổ quốc.


Mô hình "Tiếng kẻng vùng biên" huy động người dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới hiệu quả

Hình thức tuyên truyền phong phú

Từ tình hình thực tế ở các huyện, thị xã có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ đường biên, cột mốc. Các hình thức tuyên truyền, vận động được thực hiện thông qua các kỳ hội nghị báo cáo viên các cấp, đăng tải các bài viết phản ánh kết quả, những thuận lợi, khó khăn trong công tác PGCM Việt Nam - Campuchia trên đài truyền thanh địa phương và Báo Long An, Đài Phát thanh Truyền hình Long An, Website Tỉnh ủy, cổng thông tin điện tử của tỉnh và các tờ thông tin nội bộ. Bên cạnh đó, ngành chức năng còn tổ chức nhiều hoạt động khảo sát, cung cấp các tài liệu tuyên truyền.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động còn được lồng ghép vào các nội dung chương trình giảng dạy tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị như: Chương trình nhận thức về Đảng; Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh; Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới,...

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo (BTG) Tỉnh ủy Long An - Lê Văn Chính, sau khi xảy ra tình hình bất ổn tại cột mốc 202, 203 xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh tổ chức nhiều đợt khảo sát, kịp thời nhắc nhở các địa phương có biên giới tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, không bị kích động rơi vào âm mưu của kẻ xấu, làm đẹp hình ảnh của Việt Nam nói chung và của tỉnh Long An nói riêng trên trường quốc tế và trong công tác đối ngoại. BTG Tỉnh ủy chú trọng công tác nắm bắt dư luận, tâm trạng, tư tưởng nội bộ nhân dân, định hướng đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch; củng cố tình đoàn kết, hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

BTG các địa phương phối hợp chặt chẽ với các xã biên giới và Đồn biên phòng đóng trên địa bàn sử dụng nhiều hình thức và tăng cường công tác tuyên truyền vận động PGCM, bảo vệ biên giới tại các địa bàn dọc tuyến biên giới thông qua hệ thống thông tin đài truyền thanh, loa phóng thanh, cổng thông tin điện tử, tài liệu in ấn, xe thông tin lưu động, tuyên truyền miệng đến từng hộ dân. Đồng thời, tăng cường giao lưu giữa chính quyền cùng các hộ dân hai nước dọc tuyến biên giới.

Hiệu quả thiết thực từ công tác tuyên truyền

Các mô hình "Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh", "Tiếng kẻng vùng biên" được phát huy, nhân dân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự (ANTT) xóm ấp. Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Long An, đến nay 37/44 ấp dọc tuyến biên giới thường xuyên luyện tập các mô hình "Tiếng kẻng vùng biên", "Tiếng kẻng an ninh" và "Mõ tre chống cướp" với trên 7.000 lượt người tham gia, có trên 80% hộ dân 20 xã biên giới đăng ký tự quản về ANTT xóm ấp. Qua 3 năm triển khai mô hình đã có trên 6.000 kẻng và 6.000 gậy trang bị cho nhân dân chống cướp, hàng trăm phương tiện ghe xuồng, mô tô sẵn sàng tham gia làm nhiệm vụ khi cần. Hoạt động trên đã góp phần xây dựng biên giới bình yên vững mạnh.

Huyện Mộc Hóa có đường biên giới dài 14,5km giáp ranh với huyện Chanh Tria, tỉnh Pray Veng và huyện Kong Pong Ro, tỉnh Svay Rieng. Trước tình hình phức tạp xảy ra vào tháng 5-2015 tại cột mốc 202, 203, lãnh đạo huyện chỉ đạo các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng thế trận lòng dân, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của thế lực thù địch. Tranh thủ sự đồng thuận, giúp đỡ của người dân hai nước vùng biên giới, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của Đảng cứu quốc và Tổ chức Khmer cực đoan của Campuchia. UBND huyện tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa huyện Mộc Hóa và các huyện Chanh Tria, Kong Pong Ro của Campuchia.

Xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa có đường biên giới dài 4,5km thuộc ấp Bình Bắc giáp ranh với xã Ta Not của Campuchia, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Tây - Hoàng Thị Thùy Như cho biết: Xã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức cho 30 người biết tiếng Campuchia, qua đó tuyên truyền sâu rộng đến bà con sinh sống hai bên biên giới có hơn 500 lượt người nghe và nắm vững được chủ trương của Đảng, Nhà nước về biên giới và PGCM. Đến nay, lực lượng xung kích bảo vệ ANTT biên giới với hơn 30 người thường xuyên phối hợp BĐBP tuần tra, tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ vững chắc biên giới./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết