Tiếng Việt | English

04/03/2020 - 13:51

Hiệu quả từ chương trình xây dựng cánh đồng lớn

Năm 2019, các chương trình đột phá, công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) tiếp tục được tập trung chỉ đạo, phát huy hiệu quả. Trong đó, chương trình xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) mang lại kết quả tích cực, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá, tổng giá trị sản xuất 3.130,1 tỉ đồng, đạt 100,33% nghị quyết (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018).

 

Ước tính mỗi hécta sản xuất cánh đồng lớn, nông dân giảm được 2-3 triệu đồng chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng 3-5 triệu đồng

Theo thống kê của Huyện ủy Vĩnh Hưng, năm 2019, thực hiện chương trình xây dựng CĐL, huyện có 18 lượt doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với tổng diện tích 4.858,4ha, nâng diện tích liên kết là 18.808,2ha, đạt 92,2% nghị quyết năm 2019 và 134,3 % chỉ tiêu tỉnh giao (14.000ha). Việc sản xuất theo CĐL mang lại hiệu quả thiết thực cho các bên tham gia liên kết: Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, nhất là thông qua các hợp đồng liên kết giúp nông dân sản xuất theo mô hình trang trại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập so với bình quân chung của huyện.

Ông Nguyễn Văn Thiêm, ngụ xã Tuyên Bình, tham gia liên kết sản xuất CĐL với diện tích hơn 10ha chia sẻ: “Sản xuất lúa CĐL giúp chúng tôi có thể an tâm canh tác nhờ được hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật của các doanh nghiệp,... Ước tính mỗi hécta sản xuất CĐL, chúng tôi giảm được 2-3 triệu đồng chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng 3-5 triệu đồng”.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng, việc xây dựng CĐL là giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo và các loại cây trồng khác của huyện biên giới Vĩnh Hưng trong thời gian tới. Điều đáng nói, các CĐL được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất, từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ,… Từ đó, góp phần từng bước xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết "4 nhà", sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm; tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận, làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong nước và xuất khẩu. 

“Hiện nay, ngoài khuyến khích, vận động nông dân tham gia sản xuất các loại giống lúa đạt chất lượng cao: OM4900, VD20, OM6976, OM4218,… huyện cũng nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa ở vùng quy hoạch: Cộng đồng quản lý rầy nâu, Cùng nông dân ra đồng, các cánh đồng "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm",... Ngoài ra, huyện tiếp tục xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mối liên kết "4 nhà" ngày càng bền vững, góp phần tạo bước đột phá về phát triển nông nghiệp” - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trương Văn Điệp thông tin./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích