Liên kết còn trục trặc
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi, tham gia cánh đồng lớn giúp nông dân giảm chi phí giống (số lượng giống gieo sạ thấp hơn bên ngoài khoảng 10 - 20kg/ha), giảm phân bón (thấp hơn bên ngoài cánh đồng 20 - 22kg/ha), giảm số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật. Từ các yếu tố trên, lợi nhuận trong cánh đồng lớn cao hơn so với bên ngoài cánh đồng từ 2 - 3 triệu đồng/ha. Riêng mô hình liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống cho lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình từ 3 – 4 triệu đồng/ha.
Sản xuất trong cánh đồng lớn giúp giảm chi phí đầu tư
Ngoài ra, khi tham gia cánh đồng lớn, vật tư đầu vào cung ứng kịp thời, chủ động, giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng và được tư vấn hướng dẫn sử dụng nên hiệu quả cao hơn, góp phần khắc phục tình trạng mua bán vật tư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Song song đó, sản phẩm làm ra được bao tiêu, giảm được tình trạng ép giá, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn.
Ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp 4, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Nông dân tham gia cánh đồng lớn được đào tạo, tập huấn về sản xuất 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm, góp phần nâng cao trình độ về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra lượng sản phẩm lớn, đồng bộ theo nhu cầu thị trường”.
Theo đánh giá, việc thực hiện cánh đồng lớn vụ đông xuân 2018 - 2019 có những thuận lợi như được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các sở, ngành và địa phương. Phương án, dự án cánh đồng lớn của các doanh nghiệp được xem xét phê duyệt làm động lực để thúc đẩy mối liên kết và là cơ sở để doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân chủ động tổ chức thực hiện. Thông qua việc xây dựng cánh đồng lớn, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với thị trường, tăng khả năng cạnh tranh do kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Nông dân cũng có nhiều thuận lợi. Ở khâu đầu vào sản xuất, nông dân kết nối trực tiếp với nhà cung ứng không thông qua đại lý, bảo đảm nguồn cung đầu vào ổn định, giá cả hợp lý. Khâu đầu ra được kết nối bằng hợp đồng ổn định lâu dài, sản xuất theo định hướng thị trường của doanh nghiệp.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và cơ điện ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi) - Nguyễn Thu Sương, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện cánh đồng lớn cũng có nhiều khó khăn đan xen. Cụ thể, năng lực quản lý, điều hành của Hội đồng Quản trị các hợp tác xã (HTX), tổ trưởng các tổ hợp tác (THT) tham gia xây dựng cánh đồng lớn còn nhiều hạn chế. Các thành viên có nơi chưa có sự gắn kết chặt chẽ, dễ dàng phá vỡ hợp đồng khi có giá cả bất ổn và không tuân thủ theo quy trình sản xuất làm cho chất lượng sản phẩm không đồng nhất.
Ngoài ra, nông dân còn ngại tham gia hội họp, triển khai kế hoạch sản xuất cũng như các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác, ghi chép sổ tay canh tác; ngại tham gia vào tổ chức sản xuất như HTX, THT.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa nông dân còn nhiều bất cập do tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không muốn ràng buộc khi hòa nhập vào liên kết sản xuất. Khi tham gia liên kết, một số nông dân không tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất của mô hình đưa ra, còn tự ý phá vỡ hợp đồng.
Đồng thời, hợp đồng liên kết đôi khi thiếu chặt chẽ, nông dân và doanh nghiệp chưa kịp thời thống nhất giải quyết các vấn đề phát sinh, chưa chia sẻ hài hòa lợi ích khi giá cả thị trường biến động, làm phá vỡ liên kết.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp, công ty đến địa phương trên tiêu chí xây dựng cánh đồng lớn nhưng không bao tiêu sản phẩm, chủ yếu giới thiệu sản phẩm (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng cánh đồng lớn còn chậm và không phát triển về quy mô, số lượng.
Bên cạnh những hiệu quả bước đầu, cánh đồng lớn còn gặp nhiều khó khăn
“Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn còn gặp khó khăn về nguồn vốn, hệ thống kho chứa bảo quản lúa và nhà máy chế biến để thu mua lúa cho nông dân khi đến vụ thu hoạch rộ. Kết cấu hạ tầng một số cánh đồng chưa được hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến công tác triển khai, vận chuyển vật tư, chuyển giao công nghệ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Một số chính sách ưu đãi chưa thật sự thu hút và tác động mạnh đến sự tham gia của các chủ thể trong liên kết, tiêu thụ,…”, bà Nguyễn Thu Sương thông tin thêm.
Tăng cường đối thoại để tháo gỡ khó khăn
Theo bà Nguyễn Thu Sương, trong thực hiện cánh đồng lớn, khó khăn trên không chỉ gần đây mà diễn ra những năm qua. “Kế hoạch đề ra của UBND tỉnh về thực hiện cánh đồng lớn giai đoạn 2016 - 2020 là sự kỳ vọng lớn. Như năm 2019, kế hoạch đề ra là 67.600ha cánh đồng lớn; trong đó vụ Đông Xuân là 40.560ha, còn Hè Thu là hơn 27.000ha. Tuy nhiên, vì còn nhiều khó khăn nên kết quả thực tế còn khoảng cách rất xa”, bà Nguyễn Thu Sương nói.
Vụ Đông Xuân 2018 - 2019, Long An có 27 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng cánh đồng lớn với 115 lượt cánh đồng, với diện tích 10.902ha (3.661 hộ tham gia) ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, đến ngày 04/4 đã kết thúc thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019, năng suất lúa tươi trung bình 7,5 tấn/ha. Mặc dù vậy, nhìn chung, tình hình tiêu thụ lại không được như mong muốn khi diện tích mà doanh nghiệp thu mua chỉ được 7.800ha (đạt 71,6%).
Cũng theo Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện cánh đồng lớn với diện tích hơn 48.000ha. Trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, các đơn vị đăng ký triển khai gần 6.000ha, đạt 12,41%, với 2.045 hộ tham gia. Kết quả, diện tích thu mua là 3.663ha, đạt 61,5%. Trong đó, có 3 doanh nghiệp không thực hiện, 1 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã thực hiện vượt kế hoạch đăng ký.
Nhiều người dân ở Thạnh Hóa bức xúc vì một đơn vị bao tiêu nợ tiền mua lúa kéo dài
Nhìn chung, diện tích xây dựng cánh đồng lớn của các doanh nghiệp và HTX có dự án, phương án được UBND tỉnh phê duyệt nhưng chỉ thực hiện được diện tích rất ít so với kế hoạch đề ra bởi nhiều nguyên nhân. Cụ thể là không ký được hợp đồng do nông dân không sản xuất theo đặt hàng của công ty, doanh nghiệp; nông dân không thỏa thuận được giá với công ty và bán cho thương lái bên ngoài; có công ty do khó khăn về nguồn vốn nên không triển khai cánh đồng lớn.
Ngoài ra, trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, có 8 HTX trong tỉnh tham gia thực hiện liên kết tiêu thụ xây dựng cánh đồng lớn với các doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích gần 1.300ha.
Trước tình hình diện tích lúa trong cánh đồng lớn gặp khó khăn, trong quí II/2019, UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, đôn đốc và tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngành Nông nghiệp cũng nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn. Trong đó, tăng cường tuyên truyền đến người dân lợi ích khi tham gia xây dựng cánh đồng lớn, trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia ký kết hợp đồng thực hiện cánh đồng lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Nguyễn Chí Thiện, đến ngày 15/5, toàn tỉnh ghi nhận có 1.722 hộ tham gia sản xuất cánh đồng lớn trong vụ Hè Thu năm 2019 với tổng diện tích hơn 5.400ha. Bên cạnh đó, có 13 doanh nghiệp và 1 HTX ký kết hợp đồng liên kết xây dựng cánh đồng lớn với số lượt cánh đồng đăng ký là 66.
Gần đây, tại huyện Thạnh Hóa, có 1 đơn vị đứng ra bao tiêu thu mua lúa trong diện tích cánh đồng lớn cho người dân ở 4 xã: Tân Đông, Tây Tây, Thủy Tây và Tân Hiệp. Tuy nhiên, hơn 2,5 tháng trôi qua và nhiều lần thất hứa, đến nay, đơn vị này vẫn đang nợ của người dân hơn 12 tỉ đồng (500ha).
Thời gian qua, chính quyền nhiều lần làm việc với bà Võ Thu Mộng, chủ Đại lý vật tư nông nghiệp Ba Tiếp (ở huyện Thạnh Hóa) - đơn vị trực tiếp bao tiêu và thu mua lúa nhưng còn nợ tiền của dân, để làm việc, hối thúc trả nợ. Diện tích bị nợ kéo dài này lại nằm trong cánh đồng lớn nên người dân càng phàn nàn. Theo đó, chính quyền địa phương cũng rất bối rối trước sự việc trên./.
|
Lê Đức