Tiếng Việt | English

23/09/2020 - 10:20

Hiệu quả từ mô hình nuôi ruồi lính đen

Với kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí, mô hình nuôi ruồi lính đen được đánh giá mang lại lợi ích thiết thực. Nhận thấy được những ưu điểm này, anh Trương Văn Thành (ấp 7, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thực hiện mô hình kết hợp nuôi chim cút, tạo thu nhập ổn định.

 

Anh Trương Văn Thành dùng sâu canxi để làm thức ăn cho đàn cút

Anh Trương Văn Thành dùng sâu canxi để làm thức ăn cho đàn cút

Đầu năm 2019, anh Thành thử nghiệm nuôi ruồi lính đen với khoảng 200m2 tại gia đình. Để nhân giống được đàn ruồi lính đen là việc vô cùng khó khăn, bởi sinh vật này khó thích nghi với thời tiết nóng nên thời gian đầu thử nghiệm, đàn ruồi bị chết nhiều. Để khắc phục, anh Thành sử dụng quạt phun sương làm mát cho ấu trùng phát triển tốt. 

Qua hơn 1 năm, nhận thấy việc nuôi ruồi lính đen đã đi vào “guồng quay” ổn định, tháng 01/2020, anh Thành quyết định đầu tư nuôi 5.000 con cút và sử dụng ấu trùng của ruồi làm thức ăn cho cút. Theo anh, chỉ cần bể xi măng nuôi ấu trùng, các khay nhựa đựng kén, thanh gỗ cho ruồi đẻ trứng và lồng lưới rộng chừng 5m2 để phục vụ tái đàn là có thể nuôi ruồi. Điều quan trọng là phải giữ độ ẩm khi nuôi.

Hiện tại, ngoài dùng làm thức ăn cho cút, heo,... anh Thành còn cung cấp trứng ruồi, ấu trùng cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương,... mang lại thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng.

Anh Thành cho biết: “Ruồi lính đen là sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm. Thức ăn của ruồi chủ yếu là rau, củ, quả, thức ăn thừa,... Vòng đời của ruồi lính đen chỉ kéo dài khoảng 40 ngày và chia ra 5 giai đoạn: Trứng, ấu trùng, tiền nhộng, nhộng, ruồi trưởng thành.

Trong toàn bộ quá trình sinh trưởng, ấu trùng (còn gọi là sâu canxi) là giai đoạn mang lại hiệu quả cao nhất vì có thành phần dinh dưỡng cao. Ngoài làm thức ăn thủy sản, ruồi lính đen còn có thể làm thức ăn cho các loại gia cầm, gia súc và giúp tăng sức đề kháng cho vật nuôi,... Ấu trùng (sâu canxi) khi lớn lên sẽ lột xác thành ruồi lính đen, thời gian càng lâu, chúng càng đen. Thông thường, 1 cặp ruồi lính đen bố mẹ có thể đẻ 500-700 trứng. Sau khi sinh sản xong thì ruồi chết, xác ruồi có thể tận dụng làm phân bón.

Ngoài ra, ruồi lính đen không có vòi nên không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loài ruồi khác nên khá an toàn và được xem là loại thiên địch có lợi. Chúng ăn chất thải hữu cơ nhưng không gây mùi, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, việc đầu tư nuôi ruồi lính đen sẽ là hướng đi hiệu quả để giải quyết “bài toán” về rác thải hữu cơ”.

Với những ưu điểm vượt trội về tính năng xử lý rác thải và nguồn thức ăn hiệu quả trong chăn nuôi nên đầu ra của con ruồi lính đen khá thuận lợi. Từ hiệu quả mô hình mang lại, anh Trương Văn Thành sẵn sàng hỗ trợ con giống cho hộ cựu chiến binh, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình./.

Việt Hằng

Chia sẻ bài viết