Mô hình Thu gom rác bảo vệ thực vật được nhân rộng ở huyện Tân Hưng
Tân Hưng là huyện có lợi thế sản xuất nông nghiệp, hơn 90% hộ dân trồng lúa. Hàng năm, lượng tiêu thụ VTNN như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp khá lớn.
Tình trạng rác thải từ sản xuất nông nghiệp như bao bì phân bón, vỏ chai thuốc BVTV chưa được nông dân thu gom, xử lý gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường.
Sau khi khảo sát, năm 2022, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch, làm bể chứa thu gom, xử lý rác thải từ vỏ, bao bì thuốc BVTV, triển khai tại xã Hưng Thạnh.
Hội Nông dân huyện phối hợp Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân xã hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, hội viên về tác hại của rác thải từ VTNN.
Ngoài ra, xã thành lập ban vận động thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV và xây bể chứa tại đồng ruộng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thu gom rác thải từ VTNN và đưa đến điểm tập kết bể chứa để xử lý theo quy định.
Sau 1 năm triển khai, thực hiện tại xã Hưng Thạnh, Ban Dân vận Huyện ủy khảo sát, đánh giá mô hình mang lại hiệu quả thiết thực và triển khai mô hình Dân vận khéo trong thu gom, xử lý rác từ vỏ chai, bao bì thuốc BVTV nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, giới thiệu nhân rộng ra các xã trên địa bàn huyện.
Đến nay, từ kinh phí người dân đóng góp, toàn huyện xây được gần 100 bể chứa rác từ VTNN đưa vào sử dụng tại các khu vực có diện tích sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí gần 190 triệu đồng.
Mô hình góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường, chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các loại phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất.
Rác thải từ vỏ chai, bao bì và các loại rác khác được các thành viên tham gia mô hình bỏ đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.
Vĩnh Bửu là một trong những xã thực hiện hiệu quả mô hình khi xây dựng 6 hố chứa rác tại các vùng sản xuất lúa.
Ban vận động xã đã tuyên truyền, khuyến khích người dân bỏ vỏ, bao bì thuốc BVTV vào các hố chứa thay vì xả bừa bãi trên kênh, rạch, bờ ruộng.
Bí thư Chi bộ ấp Võ Văn Be, xã Vĩnh Bửu - Đào Văn Trạng chia sẻ, mô hình được người dân đồng tình ủng hộ, cùng nhau thực hiện. Chai lọ, bao bì thuốc BVTV được tập kết đúng nơi để thu gom, xử lý đúng quy định.
Theo đánh giá, hiện tại, địa phương có 95% bao bì, chai lọ thuốc BVTV được người dân tập kết vào các hố chứa. Thời gian tới, ban vận động ấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì thực hiện tốt và nâng tỷ lệ thu gom, bảo đảm theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Một trong những cá nhân năng nổ thực hiện mô hình ở xã Vĩnh Bửu là ông Trần Văn Dững. Khi người dân thu gom rác thải, ông Dững thường vận chuyển đến địa điểm tập kết để xử lý. Ông Dững nói: “Làm được việc gì có ích cho địa phương thì tôi sẵn lòng”.
Cũng như các xã khác, xã Vĩnh Lợi cũng triển khai mô hình này một cách hiệu quả khi xây dựng 28 hố chứa trên diện tích canh tác 3.000ha.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân không chỉ đóng góp kinh phí xây dựng hố chứa rác mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và bỏ rác đúng nơi quy định.
Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi - Võ Hồng Vân cho biết: “Việc triển khai, thực hiện mô hình thu gom và xử lý rác từ vỏ, bao bì thuốc BVTV là rất thiết thực, góp phần thúc đẩy sự chung sức, đồng lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí môi trường tại địa phương”.
Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp các cấp, các ngành dự kiến xây thêm 40 hố chứa rác VTNN để mở rộng điểm thu gom, giúp người dân dễ dàng tiếp cận.
Định kỳ, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ thu gom và đưa rác thải từ các hố chứa đi xử lý theo đúng quy định.
Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tân Hưng - Lê Thị Sắc đánh giá, qua 3 năm triển khai, thực hiện mô hình đã ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường.
Hiện dọc các bờ ruộng, tuyến đường, kênh, rạch không còn thấy rác thải từ bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi, gây ô nhiễm.
Điều này chính là minh chứng cho hiệu quả của công tác Dân vận khéo trong xây dựng và phát triển các giải pháp bền vững về môi trường, tạo nên một cộng đồng nông thôn văn minh, ý thức và trách nhiệm.
Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh thực hiện mô hình này./.
Tin hoạt động
- Năm 2024, phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân (HVND) tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp” tiếp tục phát triển và lan tỏa. Hội ND tỉnh phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn triển khai Đề án “Hội ND Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Long An năm 2024 cho 1.800 HVND trên địa bàn tỉnh. Hội hỗ trợ thành lập 308 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với 6.160 thành viên; hỗ trợ thành lập mới 17 hợp tác xã nông nghiệp với 187 xã viên, có 29.656 HVND tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.
- Hiện nay, Long An là một trong các tỉnh triển khai, thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tham gia thực hiện Đề án, ND phải thỏa các điều kiện: Có đất sản xuất lúa nằm trong vùng quy hoạch Đề án của tỉnh thuộc 62 xã của 8 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường; tham gia vào các tổ chức hợp tác xã làm thành viên chính thức hoặc thành viên liên kết. Thực hiện tốt việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trên đồng ruộng như làm đất, gieo sạ, thu hoạch áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; giống sử dụng cấp xác nhận trở lên; lượng giống gieo sạ 70-80 kg/ha; quản lý nước: Áp dụng theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ (AWD); quản lý dịch hại tổng hợp: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; rơm được thu gom ra khỏi ruộng. Giai đoạn 1 (2024-2025), đề án tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) trên địa bàn tỉnh với 60.000ha. Giai đoạn 2 (2026-2030) lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới, ngoài vùng Dự án VnSAT và mở rộng thêm 65.000ha để hướng tới mục tiêu 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh.
|
Lê Đức