Tiếng Việt | English

20/04/2021 - 16:45

Còn nhiều khó khăn thu gom, xử lý rác ở nông thôn

Ở khu vực nông thôn, ngoài rác thải sinh hoạt còn có một lượng lớn rác nông nghiệp như chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Dù vậy, việc thu gom, xử lý rác ở nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, cần được quan tâm thực hiện để bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.

Thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để xử lý

Thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để xử lý

Người dân tự thu gom, xử lý

Chất thải rắn (CTR) sinh hoạt khu vực nông thôn, tỷ lệ các thành phần dễ phân hủy chiếm tới 65%. Về cơ bản, lượng phát sinh CTR sinh hoạt ở nông thôn tại tỉnh phụ thuộc vào mật độ dân cư và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, CTR sinh hoạt nông thôn hiện chưa được thống kê đầy đủ. Lý do là vì công tác quản lý CTR sinh hoạt nông thôn còn hạn chế.

Theo ước tính, chỉ số phát sinh CTR sinh hoạt nông thôn khoảng 0,4kg/người/ngày. Rác sinh hoạt nông thôn ở những tuyến đường hẹp, vùng sâu, xa thì xe chở rác thường không vào được. Hơn nữa, tập quán sinh hoạt, rác thải sinh hoạt phần lớn vẫn được các hộ dân tự thu gom và xử lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi ở khu vực nông thôn, rác thải sinh hoạt vẫn vứt bừa bãi nơi công cộng, kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều địa phương đã có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn. Thế nhưng, vẫn còn ở quy mô nhỏ, có nơi phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện còn rất thô sơ nên tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 40-55%.

Ngoài CTR sinh hoạt nông thôn, tại khu vực nông thôn còn phát sinh lượng lớn CTR nông nghiệp như bao bì hóa chất BVTV, phân bón các loại, rơm rạ, chất thải chăn nuôi,... Tuy nhiên, hiện nay, lượng CTR nông nghiệp này chưa được thống kê cụ thể khối lượng phát sinh ở các địa phương. Dù vậy, qua ghi nhận, CTR nông nghiệp hiện nay được thải ra ở địa bàn tỉnh không phải ít khi có diện tích lớn trồng lúa, chanh, rau, thanh long,...

“Cứ đến vụ mùa sản xuất, trên nhiều cánh đồng, bờ ruộng hoặc các bờ sông, lòng kênh, rạch, tôi thấy nhiều chai lọ, bao bì thuốc BVTV được vứt bừa bãi. Có những chai lọ, bên trong còn sót lại thuốc hóa chất và rỉ, chảy ra xuống dòng nước” - ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, cho biết.

Ông Phạm Văn Phước, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho rằng, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay chủ yếu trồng thanh long nên việc sử dụng thuốc BVTV khá nhiều. Mong rằng, huyện sẽ được quan tâm nhiều hơn việc triển khai các mô hình, phương pháp xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thu gom, xử lý chất thải từ bao bì, chai lọ hóa chất BVTV hiện còn nhiều hạn chế. Dù đó là CTR thuộc danh mục chất thải nguy hại phải thu gom, xử lý đúng quy định nhưng thực tế vẫn bị vứt bừa bãi tại ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường hợp còn vứt ngay đầu nguồn nước sinh hoạt.

Người dân chủ động nhặt rác vứt bừa bãi để xử lý

Người dân chủ động nhặt rác vứt bừa bãi để xử lý

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Thời gian qua, công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất, chai lọ thuốc BVTV được nhiều địa phương tổ chức thực hiện. Nhiều nơi đã triển khai các mô hình thu gom, xử lý.

Tuy nhiên, hiện nay, các biện pháp thu gom rác thải nông nghiệp được áp dụng vẫn còn quy mô nhỏ. Có nơi phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, chủ yếu là gom vào thùng chứa. Thùng chứa các bao bì hóa chất BVTV được sử dụng thường là thùng phuy nhưng số lượng còn ít do giới hạn về kinh phí. Hiện bao bì sau khi thu gom cùng với bao bì phân bón hóa học thường đem đốt hoặc chôn lấp ở xa khu dân cư.

Mặt khác, ở nhiều địa phương, nông dân còn thu gom chung vỏ bao bì thuốc BVTV với rác thải sinh hoạt, chưa bảo đảm theo yêu cầu. Song song đó, phương pháp đốt ở các lò tiêu chuẩn có khả năng xử lý triệt để ô nhiễm nhưng các lò này chi phí xây dựng và vận hành cao, xa các cụm dân cư nên khó có thể yêu cầu nông dân vận chuyển rác bao bì đến để đốt thường xuyên khi lượng bao bì không lớn.

Nếu ở địa phương có thu gom tập trung thì phải thu gom một lượng đủ lớn mới có thể tổ chức tiêu hủy, trong khi đó, số lò đủ tiêu chuẩn còn quá ít, chi phí vận chuyển đến nơi tiêu hủy khá cao. Như vậy, việc xử lý tại chỗ để làm sạch bao bì phục vụ cho tái sử dụng hoặc lưu giữ trước khi đem tái chế hoặc tiêu hủy là cần thiết.

Ngoài CTR trong nông nghiệp ở cây trồng thì trong chăn nuôi, CTR chủ yếu được xử lý bằng hầm biogas. Sau khi xử lý, phân được sử dụng bón cho cây trồng hoặc dùng làm thức ăn cho cá. Dù vậy, theo ước tính, có khoảng 40-70% (tùy theo từng vùng) CTR chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Một đống rác vứt ra cả mặt đường

Một đống rác vứt ra cả mặt đường

Để thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, các cấp, các ngành, đoàn thể cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không xả, vứt rác thải bừa bãi. Bà Huỳnh Thị Hai, ngụ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, cho rằng: “Việc tuyên truyền, vận động này thiết nghĩ không chỉ đơn thuần là trong năm tổ chức rầm rộ một, hai lần ra khu dân cư, ruộng đồng nhặt rác thải rồi thôi. Mà điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức khác nhau để từng hộ dân hiểu và thực hiện tốt việc không xả rác thải gây ô nhiễm môi trường”.

Đồng thời, các cấp, các ngành, đoàn thể cũng cần duy trì và tiếp tục triển khai nhân rộng thực hiện nhiều mô hình thu gom rác thải ở nông thôn để xử lý theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Thực tế, thời gian qua, có những địa phương trong tỉnh đã thành lập được các tổ, nhóm tự nguyện thu gom rác. Hay có những nơi, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Nông dân đều đặn tổ chức những đợt ra quân thu gom rác để xử lý ở trong tuần, trong tháng, tạo được chuyển biến tích cực trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Nhiều nơi thành lập được các mô hình thu gom, xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV ở các cánh đồng, hạn chế được việc vứt bỏ bừa bãi ra kênh, rạch, bờ ruộng, ao hồ.

Đối với sản xuất nông nghiệp, nông dân cần quan tâm và thực hiện áp dụng các mô hình, phương pháp hạn chế tối đa mức độ, số lượng thuốc hóa học, BVTV. Đây là hướng sản xuất ngoài việc bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe của con người, còn hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết