Tham gia bảo hiểm y tế, học sinh được theo dõi và chăm sóc sức khỏe định kỳ tại trường
Những điểm mới của BHYT HSSV
Quyết định số 595/QĐ-BHXH, ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam về việc ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ - BNN); quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT có nhiều đột phá trong quản lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thu, nộp BHXH, BHYT. Theo đó, người tham gia BHYT, gồm cả HSSV được cấp 1 mã số BHXH để sử dụng trong quá trình kê khai tham gia BHYT, hưởng BHYT và được sử dụng gắn bó suốt cuộc đời.
Tính đến tháng 12/2017, toàn tỉnh Long An có 228.641 HSSV có thẻ BHYT. Năm học 2017-2018, HSSV tham gia BHYT được cấp thẻ BHYT mẫu mới theo mã số BHXH. Đây là căn cứ dữ liệu quản lý quá trình tham gia BHYT và phần kinh phí KCB tự chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở trong năm tài chính để xác định thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục và thời điểm miễn cùng chi trả chi phí KCB (quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB).
Theo Thông báo số 1352/TB-BHXH, ngày 16/6/2017 của BHXH Long An về việc thông báo mức lương cơ sở làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN, từ ngày 01/7/2017, mức đóng BHYT HSSV hàng tháng là 4,5% x 1.300 ngàn đồng/tháng = 58,5 ngàn đồng/tháng, trong đó, HSSV đóng 40,95 ngàn đồng (70%), ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng 17,55 ngàn đồng (30%).
Phó Giám đốc BHXH Long An - Lê Thành Liếp thông tin: “HSSV tham gia BHYT tại trường học có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng tiền gồm 3 - 9 - 12 hoặc 15 tháng (gói 15 tháng cho 3 tháng cuối năm 2017 và cả năm 2018). Trường hợp tham gia phương thức 3 tháng, 9 tháng khi thẻ sắp hết hạn, nhà trường có trách nhiệm đôn đốc HSSV tiếp tục tham gia để thẻ có giá trị liên tục đến hết năm”.
BHYT là nguồn hỗ trợ kinh phí khi HSSV không may ốm đau, bệnh tật
Hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện
Từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm. Về phương thức hỗ trợ, người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu; định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.
|
“Số đông bù số ít”
BHYT là chính sách xã hội mang tính nhân đạo và được xã hội hóa theo nguyên tắc “số đông bù số ít”. Đây là nguồn hỗ trợ tài chính khi HSSV ốm đau, bệnh tật. Năm 2017, toàn tỉnh có 18 trường hợp HSSV điều trị chi phí trên 30 triệu đồng, trong đó, có nhiều trường hợp chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Năm học 2016-2017, em Châu Hoàng Chương - học sinh lớp 4/1, Trường Tiểu học Thanh Vĩnh Đông (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành), không may mắc biến chứng chưa xác định của mõm cắt cụt phải điều trị với chi phí cao. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhờ có thẻ BHYT nên thời gian qua, em được chi trả trên 110 triệu đồng. Đây chính là “phao cứu sinh” giúp em vượt qua bệnh tật, tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường.
Hay trường hợp em Nguyễn Duy Cường - học sinh lớp 9/2, Trường THCS Thi Văn Tám (xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa), cũng được quỹ bảo hiểm chi trả trên 132 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh - phụ huynh của em Nguyễn Duy Cường, chia sẻ: “Hàng ngày, tôi đi bán vé số còn chồng thì làm thuê, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng tham gia BHYT cho con. Con tôi bị mắc Hội chứng Guilain-Barré từ nhỏ. Nếu không được BHYT chi trả thì gia đình không đủ khả năng điều trị bệnh cho cháu. Có thể nói, BHYT chính là “phao cứu sinh” của gia đình tôi”.
Thực tế cho thấy, BHYT HSSV là nhóm đối tượng phải chú trọng diện bao phủ. Đây còn là nguồn hỗ trợ tài chính trong công tác chăm sóc sức khỏe nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai và là nền tảng cho lộ trình BHYT toàn dân. Vì vậy, việc vận động, thu hút nhiều người khỏe mạnh cùng tham gia BHYT, nhất là đối tượng HSSV nhằm bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro - “số đông bù số ít”, người khỏe lo cho người bệnh cần được chú trọng.
Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể bị phạt tù
Tại Long An, tính đến ngày 31/12/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 118 tỉ đồng, chiếm 2,19% so với kế hoạch thu năm 2017 (giảm 0,07% so cùng kỳ năm 2016). Cụ thể, nợ BHXH 104 tỉ đồng, chiếm 88,1% tổng số nợ; nợ BHTN 4 tỉ đồng, chiếm 3,4% tổng số tiền nợ; nợ BHYT 10 tỉ đồng, chiếm 8,5% tổng số tiền nợ.
Nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội khóa XIV thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Trong đó, có quy định xử lý hình sự với hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự quy định nhiều chế tài khác áp dụng cho các tội danh liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.
Cụ thể, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với các hành vi: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến dưới 1 tỉ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản 1, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.
Phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm với các hành vi: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c, khoản 2, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015;...
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Ngoài ra, các hành vi gian lận về BHYT như giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong KCB hưởng chế độ BHYT trái quy định; lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc;... cũng bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm./.
|
Ngọc Mận - Huỳnh Hương