1. Mẹ là điển hình của người nhà quê!
Anh Năm thường “công kích” sở thích đặc biệt của mẹ nhưng tôi thì không. Tôi hoàn toàn ủng hộ nên năm nào cũng vậy, khi những cơn mưa đi qua, tôi và mẹ lại tất tả trồng sống đời.
Con Út cùng phe với anh Năm, nó hỏi vặn:
- Mùa xuân cơ man là hoa nhưng sao mẹ nhất định cứ phải sống đời? Nếu không có gì đặc biệt đằng sau những bông hoa bình thường kia.
Mẹ thủng thẳng nói:
- Không có lý do đặc biệt, chỉ là yêu thôi.
2. Tôi không được di truyền khuôn mặt khả ái của mẹ (như Út) nhưng sở thích thì na ná nhau. Tôi cũng thích loài sống đời giản dị.
Sống đời là loài cây dễ trồng, chỉ cần một nắm lá già cắm dưới đất, cây sẽ đâm rễ, vài ngày sau bung ngọn. Hoa sống đời không kiêu sa. Mỗi đọt trổ cái vòi to và bung thành những nhánh nhỏ, trên mỗi nhánh chấm những bông hoa bé xíu. Những bông hoa li ti đã tạo nên những chùm hoa to.
Năm nào cũng vậy, đầu tháng mười một, mẹ đã tút tát lại những chậu sống đời. Cắt tỉa cây già, giâm lại cây mới. Đến tháng Chạp, mẹ cẩn thận xếp hai mươi chậu hoa vào góc vườn, chừng nào hoa nở sẽ lần lượt di chuyển vào sân, tùy theo vị trí. Cỡ đầu tháng Chạp, hoa chúm chím nụ li ti. Con Út càm ràm:
- Nhà người ta chưng mai chưng cúc, chỉ nhà ta năm nảo năm nao cũng trung thành với sống đời, quê mắc ớn…
Mẹ điềm đạm:
- Nhờ có sống đời mà cái tay bỏng của con giờ không có sẹo lồi sẹo lõm đấy! Hồi nhỏ lanh chanh láu táu, chụp cây đèn dầu, bị bỏng…
Con Út tỏ vẻ không tin, xác minh lại:
- Nhờ cây sống đời hả mẹ?
- Sống đời chữa bỏng, cầm máu, vết thâm, vết bầm rất tốt. Chị em bây mai mốt lấy chồng, sinh con nên trồng một chậu sống đời, sẽ có lúc cần.
3. Muốn sống tốt thì phải cắm vào đâu cũng sống được.
Mẹ nói rất bâng quơ khi tỉa tót lại chậu sống đời, tôi im lặng vì hiểu thông điệp của mẹ, tự răn mình phải có nghị lực, ý chí để thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Nhiều lúc tôi nghĩ mẹ là hoa sống đời hay sống đời là mẹ. Đoạn trường từ thuở còn nằm nôi. Mồ côi cha khi chưa kịp chào đời, bảnh mắt đã cắt lúa mướn, hết đồng trong ra đồng ngoài. Yêu và lấy người đàn ông nghèo tới mức không có mồng tơi để rớt. Chồng mất trong tình cảnh bụng mang dạ chửa…
Điều mọn mằn không thể không kể là tết nào mẹ cũng để một chậu sống đời bên hè.
Tôi kể chuyện này với Út rồi động viên:
- Thấy mẹ vĩ đại chưa ? Sống đời chắc cũng chào thua.
- Em yếu đuối nhu nhược, khó ăn khó ngủ chứ không được như… - con Út vừa nói, vừa khóc sau cuộc hôn nhân đổ vỡ.
- Lại khóc… - tôi chỉ biết nói vậy rồi thở dài chứ chẳng biết làm gì hơn.
Út tôi cũng dạng hồng nhan đa truân (giống mẹ).
Trong mấy chị em thì Út hương sắc nhất. Học xong trung cấp kế toán nhưng không đi làm, yêu rồi lấy chồng, nhỏ hơn bốn tuổi. Lúc đòi cưới thì sống chết nói tình yêu không có tuổi nhưng cưới về mới thấy còn nhiều cái khác biệt.
*
* *
Tôi, chắc vì học sống đời “cắm vào đâu cũng sống được” nên làm cô giáo hợp đồng ở quê rồi vào thị xã, ban đầu đi dạy, sau đi làm công ty, thay đổi liên tục nhưng cứ nghĩ tới cây sống đời của mẹ mà phấn đấu.
Tết, thấy nôn nao trong dạ. Tự dưng thấy nhớ vườn hoa sống đời quá tay. Mặc kệ tất cả, không muốn băn khoăn chuyện cơm áo nữa, chạy nhanh về với mẹ. Bước vô sân thấy thiếu thiếu vì trước hè không còn mấy chậu sống đời. Mẹ nói năm nay mưa lớn, mấy chậu hoa tàn hết mà mẹ cũng lạch ạch bệnh đau nên không ươm lại được chậu nào. Tôi còn chưa kịp nói gì thì con Út bê vào một chậu sống đời mướt rượt đặt xuống hè rồi tươi cười:
- Con sẽ làm truyền nhân của mẹ.
Tôi lấy làm lạ, liếc nhìn thắc mắc thì Út giải trình:
- Em hết thành kiến với sống đời rồi, vì em biết “chuyện tình hoa sống đời” nên đã rất cảm động.
- Lại tạo hiệu ứng tò mò?
- “Mối tình đầu” đã tặng chậu sống đời cho mẹ với lời hẹn cả hai sẽ sống đời đón xuân nhưng…
Tôi đứng nhìn trân trân vào chậu hoa, chảy nước mắt:
- Ba ơi…
Con Út gắt:
- Mạnh mẽ lên, cấm yếu đuối, coi em nè!
- ??
Tôi đưa tay ra cầm lấy bàn tay xanh xao sau dâu bể:
- Phải như sống đời, “cắm vào đâu cũng sống được nghen!”. Em không nói gì, chỉ cầm chặt lại tay tôi, y như một lời hứa…/.
Nguyễn Thị Bích Nhàn