Tiếng Việt | English

16/09/2020 - 18:25

Học ăn, học nói, học gói, học mở

Câu tục ngữ trên, ông bà ta thường dùng để khuyên dạy con cháu phải luôn học hỏi, xây dựng cho mình nét văn hóa, trong đó có văn hóa trong ứng xử. Không khó để nhận ra một bộ phận giới trẻ ngày nay có cách ứng xử chưa đúng mực, thiếu tôn trọng người lớn. Đó là do ảnh hưởng của mặt trái xã hội và mặt tiêu cực từ Internet.

Cuối tuần rồi, tôi dẫn cháu vào rạp xem phim, trong lúc xếp hàng mua vé và lấy nước giải khát, bà cháu tôi vô tình đụng phải người thanh niên phía trước. Mặc dù tôi đã lên tiếng xin lỗi nhưng cậu ta vẫn tỏ ra khó chịu và dường như không chấp nhận lời xin lỗi của tôi. Đến khi vào rạp, chúng tôi lại chạm mặt nhau và cậu ấy ngồi hàng ghế phía sau tôi. Khi phim bắt đầu được khoảng 15 phút, cậu ấy cứ liên tục đạp vào sau ghế cháu tôi ngồi. Ban đầu, tưởng cậu ấy có việc gì cần gọi mình, tôi quay ra sau hỏi “cậu cần gì?”. Cậu ấy không trả lời và tiếp tục tỏ vẻ hằn học.

Một lúc sau, cậu ấy lại đạp vào ghế. Tôi không biết đó là thói quen của cậu hay vì bực tức bà cháu tôi mà cậu thanh niên kia lại có hành động đạp vào ghế như vậy. Tôi đáng tuổi cô của cậu thanh niên đó và khi gây ra lỗi (đụng phải người cậu ấy), tôi cũng đã xin lỗi. Có thể cậu hả hê với hành động của mình, cũng có thể cậu xem đó là việc làm bình thường nhưng trong mắt tôi, cậu là người không có văn hóa, nhất là trong ứng xử với người lớn tuổi.

Không điều gì mà chúng ta không phải học. Ngoài học kiến thức, mỗi người cần rèn cho mình cách ứng xử văn minh. Ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được học về đạo đức và cách ứng xử với mọi người, tuy nhiên, do không được rèn luyện thường xuyên, do ảnh hưởng của mặt trái xã hội, một bộ thanh niên đã thể hiện sự thiếu văn hóa trong ứng xử. Giáo dục đạo đức, trong đó có văn hóa ứng xử cho thanh, thiếu niên không phải ngày một ngày hai mà đó là quá trình “mưa dầm thấm lâu” để các em nhận biết đâu là điều tốt để phát huy và đâu là điều xấu để tránh./.

Diệu Ái

Chia sẻ bài viết