Vừa nghe xong cuộc điện thoại, chị tái mặt, tay chân run rẩy, xếp vội tập hồ sơ sang một bên. Ra khỏi cửa, chị còn nghe tiếng cô thư ký với theo: “Còn cuộc họp 9 giờ, sao chị?”. Cô thư ký cũng không nghe rõ chị nói gì, chỉ nghe chị lắp bắp “hủy... hủy...”.
Chị vào tới bệnh viện, anh và bà nội thằng Dũng đã sẵn ở đó.Chị gạt mọi người để tiến gần vào giường bệnh “Sao rồi, con em sao rồi, có ổn không, không thôi chuyển viện gấp. Bác sĩ, thằng nhỏ sao rồi, tôi chuyển viện cho con được không, chi phí tôi chịu hết”. Không thể kìm lòng trước thái độ của chị, anh kéo chị ra một góc:
- Chỗ bác sĩ đang làm việc, em có im ngay không!
- Nhưng em lo cho con, ở đây không bảo đảm, em muốn chuyển con lên tuyến trên.
- Con đang trong tình trạng nguy hiểm không thể chuyển được, đợi khi nào ổn định đã.
Chị gào lên trong tức tưởi:
- Ai, ai đụng con tôi, đi đứng mắt mũi để đâu mà đụng con tôi? Trời ơi, thằng nhỏ sắp vô học rồi, ai mà ác vậy không biết!
Không chịu nổi tính của vợ, anh cũng lớn tiếng theo:
- Ai mà đụng con em, con em đụng người ta, ông ấy còn đang trong tình trạng nguy kịch hơn con em nữa kìa. Cũng tại em hết, thằng nhỏ mới hơn 17 tuổi mà mua cho chiếc SH, lạng lách, đánh võng ngoài đường, gây tai họa cho người khác.
Nghe anh nói vậy, chị càng trách móc anh đủ điều, nào là không lo cho con, nào là suốt ngày anh chỉ biết có công việc. Đến khi bà nội thằng Dũng lên tiếng: “Hai đứa có thôi đi không, chỗ bệnh viện, giữ yên lặng cho bệnh nhân nghỉ ngơi”, anh chị mới thôi và lại đứng sát cửa kiếng theo dõi con. Chỉ có bà nội là chăm chú nhìn người đàn ông giường bên cạnh. Ông ấy vẫn hôn mê, quanh người toàn dây nhợ của máy trợ tim, máy trợ thở.
Từ lúc được đưa vào bệnh viện đến giờ gần 2 tiếng rồi, sao không thấy người nhà của ông vào. Bác sĩ gọi “Người nhà bệnh nhân Nguyễn Văn Mến”, bà lọ mọ bước tới rồi ngoắc anh vào đẩy ông ấy đi chụp X-quang, CT và làm theo một số lời bác sĩ dặn. Ông ấy 48 tuổi mà trông chừng như người 60, có vẻ khắc khổ lắm, nước da đen nhẻm, tay chân xù xì, mốc thếch. Bà đến gặp bác sĩ hỏi nhỏ:
- Có liên lạc được với người nhà ông ấy chưa bác sĩ?
- Trong túi ông ấy chỉ có giấy chứng minh nhân dân, ông ấy lại không có điện thoại di động nên phía bệnh viện chưa liên lạc được bà ơi!
Bà thở dài, nhìn sang giường thằng cháu nội, ngao ngán... Anh là con trai duy nhất của bà, thằng Dũng lại là con trai duy nhất của anh. Ông mất khi tham gia kháng chiến chống Pháp, bà dành hết tình cảm cho anh, mẹ con nương nhau sống. Rồi anh cưới vợ và sanh thằng Dũng, bà bỏ quê lên phụ vợ chồng anh.
Cuộc sống bây giờ không như ngày xưa ở quê bà, anh chị mải miết với công việc. Anh là phó giám đốc một công ty xây dựng, chị là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu. Hai vợ chồng cứ tối mặt với công việc nên giao hẳn việc chăm sóc, dạy dỗ thằng Dũng cho bà.
Ngày nó còn nhỏ, bà nói gì nó nghe nấy, suốt ngày lẽo đẽo theo bà, đòi bà kể chuyện cổ tích. Những ngày tháng đó thật êm đềm. Rồi thằng Dũng lớn lên, bà không theo kịp những trò game online của nó, bà cũng không thể quản lý bạn bè nó. Nhiều lần bà nói chuyện với vợ chồng anh nhưng cả hai đều phớt lờ. Anh chị thuê người giúp việc để lo cho hai bà cháu. Tiền thì thằng Dũng cần bao nhiêu cứ việc nói với mẹ. Tiền chị cho nó xài không đủ, thế là nó đặt ra bao nhiêu môn cần học thêm để đòi tiền mẹ. Chị lại đưa mà không hề kiểm tra con mình xài vào việc gì.
Năm nay lên lớp 12, thằng Dũng nằng nặc đòi mua chiếc SH, mà SH Nhật mới được nha. Con nhà giàu mà xài SH Việt Nam, tụi bạn nó coi thường. Bà cứ theo khuyên bảo: “Con chưa đủ tuổi lái xe, như vậy là vi phạm... Con còn nhỏ, đậu đại học đi rồi mua cũng được”. Bà giải thích kỹ với anh và chị, cứ để thằng Dũng đi chiếc xe đạp điện thêm năm nữa, chừng nào đủ tuổi hẵng hay. Vậy là nó giận bà, giận mẹ, bỏ cơm nhà mấy ngày, tụ tập bạn bè đi chơi tới khuya mới về. Xót con, chị mua cho nó chiếc SH, tuần sau, nó gây tai nạn.
Đến chiều, con bé chừng 17, 18 tuổi lật bật chạy vào phòng cấp cứu:
- Bác sĩ ơi, ba con... Nguyễn Văn Mến, 48 tuổi, nhà ở Đức Huệ sao rồi bác sĩ?
- Ông Mến được chuyển lên khoa nội, phòng 403, ông bị chấn thương vùng đầu nên cần theo dõi thêm.
Con bé lại ôm túi đồ hớt hải chạy lên lầu 4. Thấy ba mằm im, đầu quấn băng trắng toát, nó hoảng hồn: “Ba ơi, ba có sao không, ba có đau chỗ nào không ba?”. Ông Mến không nói gì, vỗ vỗ vào tay con như an ủi, như nói rằng “Ba không sao, con an tâm đi”. Như chợt nhớ đến người bên cạnh, con bé nhìn sang bà. Bà từ tốn: “Bà là bà nội thằng Dũng, người đụng ba con, bà ở đây từ sáng giờ đợi con”. Nó cúi xuống cảm ơn bà đã lo cho ba nó từ lúc bị tai nạn tới giờ. Nhà nó ở Đức Huệ, hôm nay, ba nó về thành phố dự đám giỗ bà cố, sẵn mua cho nó xấp vải may áo dài và cái cặp mới.
Từ lúc vào THPT đến giờ, nó toàn mặc áo dài cũ của mấy chị khóa trước tặng lại. Năm nay lên lớp 12, ba nó muốn may cho nó bộ áo dài mới. Cái cặp của nó cũng cũ lắm rồi, sẵn dịp mới bán con bò, ba nó tính tặng thêm cái cặp để động viên tinh thần con gái, nào ngờ chưa kịp mua thì gặp tai nạn. Bà hỏi nhiều về hoàn cảnh gia đình nó nhưng nó kể rất ít, bà chỉ biết mẹ nó mất khi mới sanh nó.
Mười mấy năm nay, hai ba con nó nương tựa nhau. Năm nay, nó 17 tuổi, ba hứa sẽ tặng cho nó bộ áo dài mới đi học. Kể đến đó, nước mắt nó chảy dài “Con không cần áo dài nữa, con chỉ cần có ba thôi. Ba mau khỏe lại về nhà với con nha ba...”.
Nãy giờ, đứng ngoài cửa phòng, chị nghe hết. Con bé bằng tuổi thằng Dũng mà ngoan ngoãn, lễ phép, biết nghĩ cho ba và thương ba hết mực.
Năm học mới, ba nó chỉ tặng được cho con bộ áo dài mà ai nghe qua câu chuyện cũng cảm nhận được bao tình cảm chất chứa. Còn chị, ai đời lại đi tặng con chiếc SH khi chưa đủ tuổi lái xe làm liên lụy đến người khác. Chị quá nuông chiều thằng Dũng. Lâu lắm rồi chị không tâm sự cùng con, cả gia đình cũng chưa có dịp quây quần, chơi đùa cùng nhau. Sống chung một mái nhà, anh chị cứ lo công việc, để mặc con với những sở thích của riêng nó. Bà nội thằng Dũng nhiều lần cảnh báo nhưng chị để ngoài tai. Chị cứ nghĩ, ráng làm để lo cho tương lai của con, không để nó thua thiệt bạn bè là được. Chị đâu biết rằng, thằng Dũng đang thiếu thốn tình cảm nên cứ lao vào những trò chơi vô bổ để khỏa lấp khoảng trống.
Chị thầm cảm ơn cha con ông Mến, chính cha con ông đã đánh thức thứ tình cảm ngủ quên trong chị từ lâu. Ngày mai, chị sẽ bỏ bớt công việc và chị sẽ dạy thằng Dũng những gì tốt đẹp nhất, dạy con biết yêu thương và sống có trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh./.
Mỹ Trưng