Tiếng Việt | English

25/11/2021 - 08:41

Hội Khuyến học tỉnh Long An: Những mốc son trong nhiệm kỳ

5 năm nhìn lại, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục giữ vững và phát triển toàn diện, đánh dấu những mốc son quan trọng cho nhiệm kỳ 2015-2020. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại những giá trị xã hội nhân văn sâu sắc. Đó là thành quả của sự tận tâm, tận tụy từ những người làm công tác khuyến học và một tập thể đoàn kết trong Ban Chấp hành Hội khuyến học tỉnh.

Chắp cánh ước mơ cho học sinh, sinh viên nghèo

Trên con đường chinh phục tri thức, học sinh, sinh viên (HSSV) nghèo không đơn độc. Các em luôn có sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh thông qua các suất học bổng, phần quà từ nguồn Quỹ Khuyến học. Từ đó, các em được chắp cánh ước mơ, vững bước hơn trên con đường học vấn. Mỗi đầu năm học, Hội Khuyến học huyện Đức Hòa tổ chức xét và trao học bổng cho HSSV nghèo. Trong đó, nổi bật nhất là Quỹ học bổng Võ Văn Tần đã và đang cùng HSSV thực hiện tiếp những ước mơ tưởng chừng dang dở.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đức Hòa - Trương Thị Kim Tiến cho biết: “Trong nhiệm kỳ này, Hội Khuyến học các cấp trong huyện đã cấp phát 106.567 suất học bổng, quà cho HSSV với tổng số tiền hơn 30 tỉ đồng, tăng 6,3 tỉ đồng so với nhiệm kỳ trước. Hiện quỹ tồn của Hội Khuyến học huyện gần 23 tỉ đồng, trong đó Quỹ học bổng Võ Văn Tần hơn 15 tỉ đồng”.

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang trao học bổng cho học sinh (Ảnh: Mai Nhã)

Ngoài trao học bổng, Hội Khuyến học huyện Đức Hòa còn phối hợp xã Hòa Khánh Nam tổ chức bữa cơm trưa miễn phí cho HS Trường Tiểu học Thi Văn Tám từ năm 2015 đến nay. Hội cũng phát triển phong trào Nuôi heo đất trong các gia đình để có thêm nguồn quỹ trang trải việc học cho con em mình. Bên cạnh đó, Hội Khuyến học huyện tích cực đồng hành cùng ngành Giáo dục và Đào tạo, các đoàn thể chăm lo, hỗ trợ HSSV, đặc biệt là tham gia tiếp sức mùa thi, vận động sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn,...

Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, các cấp Hội trong tỉnh nỗ lực trong công tác vận động nhằm hỗ trợ HSSV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 517,523 tỉ đồng (tăng 195,3 tỉ đồng so với nhiệm kỳ trước). Hiện quỹ tồn của các cấp Hội gần 60 tỉ đồng. Theo đó, thời gian qua, nguồn vận động quỹ khuyến học của tỉnh luôn ổn định. Một số tập đoàn, doanh nghiệp cam kết hỗ trợ hàng năm với số tiền hàng tỉ đồng như Tập đoàn Đồng Tâm, Công ty 4 Oranges Co.Ltd,...

Phong trào học tập suốt đời ngày càng đi vào chiều sâu

Được học, cần học, tự giác học và học thường xuyên, suốt đời là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người dân trong xây dựng xã hội học tập. Từ đó, mọi người được tiếp cận cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Mọi người không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, trình độ và đều xem học tập là nhu cầu của cuộc sống, học tập suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi; mỗi người đều có trách nhiệm tham gia tạo ra cơ hội học tập cho người khác. Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để trở thành người công dân tốt. Đó là “đích đến” mà các cấp Hội nỗ lực thực hiện thông qua xây dựng 4 mô hình học tập, gồm: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập.

Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập tiêu biểu của Long An được tham dự Đại hội tuyên dương toàn quốc (Ảnh tư liệu)

Huyện Cần Đước là một trong những “điểm sáng” trong thực hiện 4 mô hình học tập. Năm 2020, toàn huyện có hơn 42.800 hộ gia đình được công nhận gia đình học tập, đạt hơn 96,5%; 52/54 dòng họ được công nhận dòng họ học tập, đạt hơn 96,2% so với số dòng họ đăng ký; 115/115 ấp, khu phố được công nhận cộng đồng học tập, đạt 100%; 79/79 cơ quan, đơn vị được công nhận đơn vị học tập cấp xã quản lý, đạt 100%; 17/17 xã, thị trấn được công nhận cộng đồng học tập cấp xã, đạt 100%. Trong đó, nổi bật là cộng đồng học tập ấp Ao Gòn, xã Tân Lân được tham gia báo cáo điển hình trong Hội nghị tuyên dương toàn quốc tại tòa nhà Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội chủ trì.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình Cộng đồng học tập, Bí thư Chi bộ ấp Ao Gòn - Nguyễn Văn Bánh cho biết: “Trong quá trình thực hiện mô hình Cộng đồng học tập, Ban Chỉ đạo ấp luôn đồng hành, sát cánh với các gia đình trong việc học. Trẻ em được tạo điều kiện thuận lợi đến trường. Người lớn được khuyến khích duy trì việc học, đặc biệt là tham gia các lớp tập huấn theo nhu cầu để nâng cao kiến thức, góp phần phát triển kinh tế gia đình”.

Kết quả thực hiện 4 mô hình học tập trên toàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, gia đình học tập đạt hơn 95,2%; dòng họ học tập đạt 97,6%; cộng đồng học tập đạt 99,7%; đơn vị học tập đạt hơn 92,5% và hoàn thành trước 2 năm. Năm 2020, thực hiện mô hình Công dân học tập, tỉnh chọn 3 đơn vị chỉ đạo điểm, gồm: Thị xã Kiến Tường, huyện Đức Hòa và Cần Đước với hơn 1.100 công dân đăng ký tham gia. Đây là tiền đề quan trọng giúp nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình Công dân học tập trên toàn tỉnh.

Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội trong tỉnh phát huy vai trò nòng cốt trong chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần bồi dưỡng nhân tài, khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc và quê hương Long An. Đặc biệt, thành quả trong thực hiện 4 mô hình học tập là tiền đề thuận lợi, bước đầu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, từ đó nhân rộng, nâng cao chất lượng ở giai đoạn kế tiếp./.

Nhiều kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Châu Thành - Trần Thị Ngởi:

Nhiệm kỳ mới, tôi đặt nhiều niềm tin và hy vọng mới. Mong rằng, đại hội sẽ chọn ra những người có tâm, có tầm để chỉ đạo, phát huy thành quả nhiệm kỳ trước, đưa hoạt động khuyến học ngày càng đi lên. Ngoài ra, tôi mong muốn nhiệm kỳ mới, Hội Khuyến học tỉnh quan tâm những người làm công tác khuyến học cấp xã, bởi đa số họ là những người lớn tuổi, phụ cấp không nhiều, chủ yếu làm việc vì cái tâm với xã hội.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ - Nguyễn Văn Trai:

Nhiệm kỳ mới, tôi mong muốn Hội Khuyến học tỉnh quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các địa phương vùng sâu, biên giới; đồng thời, đề ra các giải pháp, cách làm hiệu quả hơn nữa trong phát triển 4 mô hình học tập, góp phần tạo sức lan tỏa cho cộng đồng.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình An, huyện Thủ Thừa - Trần Thanh Long:

Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, đồng tình ủng hộ của người dân nhưng do điều kiện kinh tế xã hội của xã còn khó khăn, ít các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nên khó vận động quỹ hỗ trợ khuyến học. Tôi mong rằng, Hội Khuyến học tỉnh quan tâm hơn nữa, cùng các địa phương hỗ trợ các suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, nhất là các suất hỗ trợ đột xuất cho những cháu có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết