Tiếng Việt | English

16/02/2020 - 09:42

Hơn 26.000ha lúa, rau màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn

Tình hình xâm nhập nhập mặn đã lấn sâu vào các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Theo dự báo, các địa bàn Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An, tỉnh Long An sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Hạn mặn đang diễn biến phức tạp

Theo báo cáo, tổng diện tích lúa Đông Xuân 2019 - 2020 trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành và TP. Tân An khoảng 62.268ha. 
Tuy nhiên, diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn khoảng 15.343ha.

Trong đó, TP. Tân An khoảng 268ha, Tân Trụ 3.500ha, Bến Lức hơn 1.300ha, Cần Đước 700ha, Thủ Thừa 6.500ha, Thạnh Hóa hơn 3.000ha.

Ngoài ra, ở các địa phương này còn có khoảng 11.059ha diện tích rau màu, cây ăn trái vụ Đông Xuân 2019-2020 có khả năng bị ảnh hưởng do hạn, mặn.

Trong đó, Châu Thành Khoảng 9.100ha thanh long, Bến Lức có khoảng 200ha thanh long và 300ha chanh, Thủ Thừa khoảng 50ha rau màu, hơn 200ha thanh long và 640ha chanh, Thạnh Hóa gần 550ha khoai mỡ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Chí Thiện, trước tình hình hạn, mặn đang diễn biến phức tạp, Sở đã cùng với các địa phương kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. 

Qua đó, thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét, đắp đập tạm. Tiến hành đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối để bơm nước vào đồng khi kiểm tra độ mặn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục ngay không để nước mặn rò rỉ vào nội đồng ảnh hưởng chất lượng nguồn nước ngọt. Đóng cống nhiều tuyến kênh ngăn không cho nước nhiễm mặn ngoài sông xâm nhập sâu vào nội đồng. 

Kênh mương cạn nước

Ngoài ra, phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đề nghị cung cấp, bổ sung, tăng lượng nước ngọt xả về sông Vàm Cỏ Đông khi độ mặn lên cao để kịp thời đẩy mặn, tranh thủ lấy nước ngọt phục vụ sản xuất.

Vận động nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương; ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn. Các khu vực phía Nam không đảm bảo nguồn nước ngọt thì không được gieo sạ.

Đồng thời, có các phương án để kịp thời cung cấp nước uống, nước sạch sinh hoạt  hỗ trợ cho người dân vùng bị thiếu nước. Rà soát, tu bổ, tôn cao các tuyến bờ bao xung yếu bị thẩm lậu, bờ bao thấp và đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn. Kiểm tra các cống đầu mối, phủ bạt chống rò rỉ nước mặn vào nội đồng.

Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, nạo vét khơi thông dòng chảy. Các địa phương khảo sát, thi công ngay các đập tạm đầu các kênh cấp 1, 2, 3 nội đồng; tập trung bơm nước nhiều cấp để trữ nước trong nội đồng và tạo không gian, hạ thấp mực nước ngoài kênh trục chính để bổ sung nguồn nước trữ đảm bảo phục vụ trong mùa khô…/.

Đức

Chia sẻ bài viết