Lúa Đông Xuân của nông dân bị thiệt hại do hạn, mặn
PV: Thưa ông, UBND tỉnh chính thức công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn cấp độ 2, trước tình hình trên, ông đánh giá thế nào?
Ông Lê Văn Hoàng: Hiện nay, độ mặn tại hầu hết các trạm trên hệ thống sông, rạch trên địa bàn Long An cao hơn cùng kỳ năm 2015 từ 0,4-5,1 gam/lít. Ranh giới độ mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 80km ở sông Vàm Cỏ Đông và hơn 70km ở sông Vàm Cỏ Tây. Ranh giới độ mặn 1 gam/lít xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 105km ở sông Vàm Cỏ Đông và hơn 115km ở sông Vàm Cỏ Tây.
Trước tình hình đó, ngày 23-2-2016, UBND tỉnh công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 640/QĐ-UBND ở các huyện phía Nam gồm: Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Bến Lức và TP.Tân An. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 2.
Qua khảo sát, ước tính ban đầu tổng diện tích thiệt hại khoảng 3.556,4ha, giá trị khoảng 21 tỉ đồng (bị mất trắng 2.160,3ha, diện tích bị giảm năng suất từ 30-70% là 1.258,1ha, diện tích bị giảm năng suất dưới 30% là 138ha); ước tổng diện tích 6.541ha có khả năng sẽ bị thiếu nước tại các huyện: Thủ Thừa 4.076ha (thị trấn Thủ Thừa 263ha, Tân Thành 755ha, Mỹ Lạc 210ha, Mỹ Thạnh 310ha, Mỹ Phú 350ha, Mỹ An 360ha, Bình Thạnh 698ha, Bình An 639ha, Nhị Thành 680ha); Bến Lức 1.700ha; TP.Tân An 200ha; riêng huyện Tân Trụ có khả năng bị thiếu nước 5.079ha, nhưng sau khi lấy nước tăng cường từ cống Châu Phê (TP.Tân An) về, đến thời điểm này, khả năng thiếu nước của huyện còn lại 565ha.
PV: Trước tình hình xâm nhập mặn hiện nay, giải pháp ứng phó của ngành và chỉ đạo đến các địa phương ra sao, thưa ông?
Ông Lê Văn Hoàng: Nhận định El Nino còn tiếp tục kéo dài đến tháng 6-2016 và ảnh hưởng gay gắt cùng tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trên các hệ thống sông Mekong do các quốc gia trữ nước trên thượng nguồn, ngành chủ động triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng hạn và xâm nhập mặn ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2015-2016 và bố trí kiểm tra chất lượng nước trên các tuyến sông, rạch để có kế hoạch vận hành các cống nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo đảm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Thời gian tới, ngành tăng cường, chủ động triển khai các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của El Nino trong sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu. Thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi đầu mối, khắc phục tình hình rò rỉ nước mặn vào nội đồng và có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống đầu mối hợp lý, phục vụ tốt việc ngăn mặn, tích trữ ngọt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh; phối hợp Xí nghiệp Bảo Định (tỉnh Tiền Giang) lấy nước từ sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) về Long An.
Đồng thời, Long An kết hợp xả nước từ 3 cống (Tân An, Rạch Chanh, Bắc Đông) để đẩy mặn trên sông Vàm Cỏ Tây. Chỉ đạo các trạm thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, nếu độ mặn cho phép sẽ vận hành các cống lấy nước vào nội đồng cho các huyện: Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An; phối hợp Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa để cấp nguồn nước tưới cho khoảng 1.500ha Khu tưới Đức Hòa, đồng thời, xả nước xuống sông Vàm Cỏ Đông để đẩy mặn, tạo nguồn nước tưới khu vực các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ và Bắc Thủ Thừa.
Đối với các huyện từ Thạnh Hóa trở lên các huyện đầu nguồn sông Vàm Cỏ Tây và các xã phía Bắc huyện Bến Lức trở lên huyện Đức Hòa và Đức Huệ, khẩn trương khảo sát đắp các đập tạm để ngăn mặn xâm nhập vào các kênh, rạch nội đồng; tăng cường nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Ưu tiên bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm tưới; tăng cường công tác dự tính, dự báo khí tượng-thủy văn và thông tin, truyền thông về tình hình hạn và xâm nhập mặn; vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước nội đồng, tránh ô nhiễm.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn như hiện nay, ngành có một số kiến nghị như sau: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 50 tỉ đồng đầu tư các công trình cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm phục vụ sản xuất Đông Xuân 2015-2016, Hè Thu năm 2016 và các năm tiếp theo; hỗ trợ 20 tỉ đồng để hỗ trợ giống lúa cho người dân có lúa bị thiệt hại do hạn, mặn khoảng 20.000ha. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm, tạo thuận lợi cho tỉnh đẩy mạnh triển khai áp dụng. Đề nghị Xí nghiệp Bảo Định và Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tạo điều kiện cho Long An phối hợp lấy nước ngọt để trước mắt cứu phần diện tích lúa Đông Xuân hiện nay.
Kiểm tra độ mặn tại các cống
PV: Xin ông cho biết, thời gian tới, ngành có giải pháp gì để nông dân sản xuất vụ Hè Thu đạt hiệu quả?
Ông Lê Văn Hoàng: Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, tình hình xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, độ mặn tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng vào các tháng 3 và 4, gây nên tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trong sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp.
Vụ Hè Thu tới, không chỉ riêng các huyện phía Nam mà trên toàn tỉnh sẽ bị thiếu nước nghiêm trọng. Vì thế, ngành chỉ đạo các đơn vị liên quan và đề nghị UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, hộ trồng lúa và cây ăn trái các kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai, chỉ đạo các trạm, trại chuyên môn, cán bộ kỹ thuật trên địa bàn hướng dẫn các hộ nông dân trồng lúa và cây ăn trái thực hiện hiệu quả các biện pháp kỹ thuật theo từng điều kiện cụ thể của địa phương nhằm ứng phó kịp thời với tình hình diễn biến phức tạm của xâm nhập mặn.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ xuống giống Hè Thu năm 2016 nhanh, gọn, hợp lý cho từng tiểu vùng nhằm né tránh hạn, mặn. Không xuống giống lúa Hè Thu sớm nếu lượng nước khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước tưới, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại. Dự kiến lịch thời vụ như sau: Đợt 1: Từ 17 đến 27-4-2016; đợt 2: Từ 15 đến 25-5-2016; đợt 3: Từ 13 đến 23-6-2016.
Thứ tư, ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý đến các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, nhóm giống chủ lực như: OM 4900, OM 6976, IR 50404, OM 2517, nếp, Jasmine 85, RVT, Nàng hoa 9,... và các giống lúa chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá như: AS 966, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 576, OM 6976,... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.
Thứ năm, tiếp tục chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang các cây trồng khác có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt, sử dụng ít nước.
Lê Huỳnh