Tiếng Việt | English

07/01/2020 - 08:49

Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

Tình trạng xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

Các cống trên địa bàn tỉnh đều đã đóng để ngăn mặn

Mặn xâm nhập

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dòng chảy trên sông Mê Kông về ĐBSCL trong tháng 01, 02/2020 rất hạn chế, khả năng thiếu hụt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm và năm 2016. Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều, từ khoảng tháng 3/2020, lưu lượng dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia - đầu châu thổ Mê Kông) sẽ tăng do các hồ xả nước theo quy luật nhiều năm gần đây. Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 01, 02/2020; riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3/2020. Từ nửa cuối tháng 03/06/2020, xâm nhập mặn có xu hướng giảm dần.

Trên địa bàn tỉnh Long An, mặn bắt đầu xâm nhập trên các tuyến sông: Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra với mức dao động từ 0,20-14,7g/l, cao hơn so cùng kỳ năm 2018-2019 từ 0,2-10,4g/l. Hiện nay, các cống trên những tuyến sông này đều đã đóng để ngăn mặn triệt để.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: “Dự báo hạn, mặn mùa khô năm 2020 diễn biến phức tạp nên từ giữa năm 2019, huyện đã triển khai các giải pháp ứng phó. Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo các địa phương cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây trồng, chủ động trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm; các nhà máy nước vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý, bảo đảm sinh hoạt cho người dân vào mùa khô. Các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn và thông tin cho người dân biết để kịp thời bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra. Riêng cây lúa, đối với những diện tích đã xuống giống, nông dân cân đối nguồn nước các kênh, mương, cố gắng tích trữ nước tối đa để có thể đủ cung cấp cho ruộng lúa. Ngoài ra, huyện còn thi công nạo vét kênh, mương trên địa bàn”.

Ngoài ra, để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô, huyện Cần Đước tập trung xây dựng, hoàn thành các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Bà Nguyễn Thị Dung (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Mỗi năm, khi đến mùa khô, gia đình tôi thường bị thiếu nước sinh hoạt, phải dùng nước mưa và đổi nước từ các ghe, sà lan. Mỗi tháng, gia đình tôi tốn khoảng 500.000 đồng để đổi nước ngọt. Năm nay, nhờ hệ thống dẫn nước đã được đấu nối với nhà máy nước nên dù đang thời điểm xâm nhập mặn, gia đình tôi vẫn có nước ngọt để dùng”.

Tại huyện Tân Trụ, tình hình xâm nhập mặn được dự báo sẽ ảnh hưởng gay gắt. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Đoàn Văn Hoàng, đến nay, tổng diện tích gieo sạ của toàn huyện khoảng 5.000ha. Dự kiến, thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Trước tình hình trên, địa phương chủ động tích trữ nguồn nước trên sông Nhựt Tảo để bảo đảm đủ cung cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp, các cống đầu mối (70 cống) ở khu vực ven sông Vàm Cỏ đã đóng kín để bảo đảm ngăn mặn.

Còn tại huyện Cần Giuộc, đến thời điểm hiện tại, các công trình thủy lợi như hệ thống kênh, mương nội đồng, đê bao cùng các hệ thống cống cơ bản được đầu tư. Ngoài ra, để chủ động ứng phó với hạn, mặn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp chặt chẽ đơn vị liên quan, cùng địa phương kiểm tra, quan trắc chất lượng nước, nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất để điều tiết đóng - mở cống cho phù hợp. Thời điểm này, các cống trên địa bàn huyện đều được đóng nhằm hạn chế xâm nhập mặn. Đồng thời, chính quyền địa phương thường xuyên thông tin đến người dân về diễn biến xâm nhập mặn để chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Do năm nay lượng mưa ít, các khu vực như huyện Đức Hòa được dự báo sẽ thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh đề xuất với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng bảo đảm nguồn nước tưới thông qua hệ thống Thủy lợi Phước Hòa, nhất là trong đợt những tháng cao điểm.

Chủ động ứng phó

UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ: Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn do các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cung cấp và trên website Phòng, chống thiên tai của tỉnh để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2019-2020, trong đó, xác định từng vùng, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để đề ra giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Tổ chức đo đạc thường xuyên độ mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhằm kịp thời nắm bắt, hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ngành nông nghiệp đề nghị đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng bảo đảm nguồn nước tưới thông qua hệ thống Thủy lợi Phước Hòa

Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các giải pháp như nạo vét kênh, rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến,...; tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt. Khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, tránh lấy nước ở những khu vực bị nhiễm mặn vào đồng ruộng, tránh gây ô nhiễm nguồn nước nội đồng, gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới hoặc khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đánh giá, rút kinh nghiệm từ diễn biến xâm nhập mặn trong mùa khô qua các năm cực đoan để có những giải pháp hợp lý, kịp thời, giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh; đẩy nhanh tiến độ tu bổ, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi, trục vớt lục bình để dẫn nước, trữ nước hiệu quả hơn.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi nhằm bảo đảm dòng chảy thông suốt, tăng cường tối đa việc dẫn nước, trữ nước trong mùa khô. Phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa để đề nghị tăng lưu lượng xả nước xuống sông Vàm Cỏ Đông khi độ mặn lên cao nhằm kịp thời đẩy mặn, lấy ngọt. Tăng cường phối hợp Ban Quản lý Đầu tư xây dựng thủy lợi 10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang triển khai đắp các đê quay, đập tạm tại các rạch nằm trên Quốc lộc 62, huyện Thạnh Hóa: Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè nhằm bảo đảm ngăn mặn khi độ mặn gần vượt 2,0g/l, bảo vệ diện tích sản xuất của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang; đồng thời phối hợp tốt quy chế vận hành hệ thống Bảo Định để lấy nước từ cống Bảo Định (độ mặn <1,0g/l) làm giảm độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây nhằm lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một phần huyện Tân Trụ, Thủ Thừa và Bến Lức qua các cống cặp sông Vàm Cỏ Tây; tăng cường liên hệ, phối hợp đơn vị quản lý Âu tàu Rạch Chanh trong công tác vận hành, bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An), xã Mỹ An, Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa) và xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo đơn vị Quản lý khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra chặt chẽ các công trình thủy lợi đầu mối, xử lý khắc phục ngay các sự cố hư hỏng công trình, cửa cống bị rò rỉ nước mặn vào nội đồng, bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất”./.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, Long An có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn mùa khô năm 2020 khoảng 22.600ha lúa, 500ha rau màu, 9.100ha cây ăn quả, tập trung ở các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và TP.Tân An..

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết