Tiếng Việt | English

14/10/2020 - 11:10

Hướng đến phân loại rác tại nguồn

Việc phân loại rác tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt của các hộ dân đã bắt đầu thực hiện và đang được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, giảm thiểu tình trạng quá tải, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mô hình phân loại rác tại nguồn bước đầu đạt hiệu quả đề ra

Mô hình phân loại rác tại nguồn bước đầu đạt hiệu quả đề ra

Xây dựng nhiều mô hình thu gom, xử lý rác

Những năm qua, KT-XH của tỉnh không ngừng phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng ổn định, nâng cao. Cùng với quá trình phát triển, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn ngày càng tăng. Đa phần rác thải sinh hoạt trên địa bàn được thu gom, vận chuyển về Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa) để xử lý. Riêng rác thải tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, một phần của huyện Bến Lức chuyển về Nhà máy Xử lý rác Đa Phước (TP.HCM); một phần rác thải của huyện Đức Hòa chuyển về nhà máy xử lý rác tại huyện Củ Chi (TP.HCM) để xử lý.

Bên cạnh đó, một số địa phương có lò đốt, bãi đổ tạm để tập kết rác thải. Tuy các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhưng công tác thu gom, xử lý rác vẫn là thách thức đặt ra. Hầu hết rác thải trên địa bàn tỉnh được thu gom một mối, chưa phân loại và người dân cũng chưa có thói quen này.

Việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa và vai trò vô cùng lớn trong việc thu gom, xử lý, nhất là trong điều kiện hiện nay khi khối lượng rác thải sinh hoạt không ngừng gia tăng hàng năm. Một số địa phương đã thực hiện nhiều mô hình giảm rác thải, tăng hiệu quả thu gom như: Lò đốt rác, hố đốt rác tại gia đình, hướng dẫn người dân chôn lấp rác,... Bên cạnh đó, ngành chức năng còn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân tham gia phân loại rác tại nguồn để giảm lượng rác thải, giảm chi phí xử lý, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Thanh Nguyên, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, cho hay: “Ngoài đơn vị chuyên thu gom, xử lý rác, địa phương còn thực hiện nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải như hướng dẫn xây lò đốt rác tại gia đình, hố thu gom rác,… Bên cạnh đó, chúng tôi còn được các phòng, ban chuyên môn của huyện hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn để xử lý. Rác thải có thể tái chế, chúng tôi giữ lại để bán phế liệu, chỉ gom các loại rác hữu cơ để xử lý. Từ đó, lượng rác của gia đình giảm hẳn, khu vực sinh sống không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, môi trường ngày càng trong lành, đáng sống hơn”.

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Mộng Thu, việc thu gom, xử lý rác trên địa bàn luôn được thực hiện nghiêm túc. Huyện vận động người dân đổ rác đúng giờ, trồng cây xanh tạo không khí trong lành, hướng dẫn những hộ dân ở sâu trong đồng xây dựng lò đốt rác tại gia đình để xử lý rác thải. Rác sinh hoạt của huyện được thu gom, vận chuyển về Nhà máy Xử lý rác Đa Phước (TP.HCM) để xử lý. Huyện phối hợp các hội, đoàn thể vận động, tuyên truyền, tổ chức tập huấn người dân phân loại rác tại nguồn. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết, bắt đầu thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, góp phần giảm thiểu lượng rác thải, chi phí xử lý và bảo vệ
môi trường.

Một số địa phương đã bắt đầu hướng dẫn, thực hiện phân loại rác tại nguồn

Một số địa phương đã bắt đầu hướng dẫn, thực hiện phân loại rác tại nguồn

Người dân bắt đầu quen với việc phân loại rác

Việc phân loại rác tại nguồn có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, vì vậy, tỉnh đã bắt đầu triển khai thực hiện trên địa bàn. Ngành chức năng tổ chức hướng dẫn để có thể triển khai, thực hiện tốt hơn việc phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, tỉnh đang phối hợp Tổ chức WWF-Việt Nam thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn, chính thức phát động từ ngày 01-8 và khu phố Bình Đông 2, phường 3, TP.Tân An được chọn thực hiện thí điểm.

Qua thời gian triển khai thí điểm, mô hình bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Người dân tham gia đã biết cách phân loại rác tại nguồn, giảm được lượng rác thải. Các đơn vị thu gom nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy được vai trò; kinh phí xử lý rác cũng giảm.

Bà Trần Thị Thanh Hằng - người dân tham gia mô hình, chia sẻ: “Trước đây, địa bàn cũng từng thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, lúc đó kết quả không đạt, người dân không mặn mà thực hiện. Nhưng lần thí điểm này, chúng tôi nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Gia đình đã biết cách phân loại rác hữu cơ, vô cơ và tận dụng nguồn rác thải có thể tái chế để bán phế liệu, kiếm thêm thu nhập. Lượng rác thải của gia đình giảm hẳn và quan trọng hơn nữa, rác thải do gia đình phân loại cũng được đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy trình, dưới sự giám sát và chứng kiến của chúng tôi. Gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì thực hiện để công tác xử lý rác thải sinh hoạt đạt hiệu quả, góp phần chung tay bảo vệ môi trường”.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết: Trước đây, TP.Tân An cũng từng thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng hiệu quả không cao. Thành phố bắt đầu thực hiện trở lại và lần này theo đánh giá, mô hình đạt kết quả như mục tiêu đề ra. Hiện nay, TP.Tân An đang chuẩn bị các bước tiếp theo để nhân rộng ra toàn phường 3 và các phường, xã khác trên địa bàn trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Phân loại rác tại nguồn có vai trò, ý nghĩa thiết thực, nhất là trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, giúp giảm chi phí xử lý, giảm sự ô nhiễm, tăng thêm hiệu quả về kinh tế. Tỉnh phối hợp Tổ chức WWF-Việt Nam thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn và đã sơ kết, đánh giá đạt yêu cầu theo đúng kế hoạch. Người dân bắt đầu quen với việc phân loại, tự giác tham gia. Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý cũng chuyên nghiệp hơn, tăng độ tin cậy đối với người dân trong vấn đề xử lý rác đã phân loại. Sở sẽ tập trung kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, tổ chức tập huấn, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi mô hình.

Trước hết, Sở tiếp tục phối hợp UBND TP.Tân An, Tổ chức WWF-Việt Nam làm tốt các công tác tiếp theo để có cơ sở nhân rộng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các giải pháp, thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, nhất là trong việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, hướng đến phân loại rác tại nguồn rộng rãi trên toàn tỉnh, góp phần hoàn thành kế hoạch chung.

Tại cuộc họp sơ kết mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh đánh giá cao kết quả mà mô hình đã đạt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hiệu quả là khá rõ ràng, là tín hiệu tích cực trong việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND TP.Tân An, Tổ chức WWF-Việt Nam đề ra các phương án, giải pháp để nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn phường 3 và TP.Tân An thời gian tới. Hướng đến đưa việc phân loại rác tại nguồn rộng rãi, phổ biến trên toàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức hướng dẫn, tập huấn và chuẩn bị đầy đủ các giải pháp thực hiện, góp phần xử lý tốt hơn rác thải sinh hoạt trên địa bàn./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Thu mua phế liệu sắt Việt ĐứcCông ty Thu mua phế liệu Bảo Minh