Tiếng Việt | English

27/06/2019 - 08:42

Kết quả bước đầu xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Long An

Xây dựng Chính quyền điện tử là xu hướng của các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới mục tiêu Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. Cùng với xu hướng, mục tiêu đó Long An đã và đang nỗ lực thực hiện; tính đến tháng 5/2019, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ hiện thực hóa Kiến trúc Chính quyền điện tử được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai đạt kết quả.

Cổng thông tin điện tử

Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước

Các cấp, các ngành luôn quan tâm, chủ động đầu tư hạ tầng phục vụ cho triển khai ứng dụng CNTT. Đến nay, có khoảng 97% CBCC cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính, 100% sở, ngành, UBND cấp huyện có mạng nội bộ, kết nối Internet bảo đảm đầy đủ cho các thiết bị. Song song đó, nhiều phần mềm dùng chung của tỉnh như Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, ký số trên văn bản điện tử, phần mềm một cửa một cửa liên thông, phần mềm quản lý CBCC, phần mềm quản lý hộ tịch hộ khẩu, phần mềm quản lý khiếu nại, tố cáo,… đã và đang phát huy hiệu quả.

Từ năm 2013, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho 100% sở, ngành, UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc, bảo đảm kết nối liên thông văn bản toàn tỉnh. Tình hình sử dụng phần mềm đang chuyển biến tích cực qua từng năm. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các CQNN tiếp tục duy trì tốt với 71.055/79.178 văn bản đi, đạt 90% (vượt mục tiêu đến năm 2020 của Chính phủ đề ra là 80%), kết nối hệ thống quản lý văn bản của tỉnh với Trục liên thông văn bản quốc gia, sẵn sàng gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp.

Năm 2014, ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, Long An đã ban hành kế hoạch, lộ trình triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, 100% sở ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã được cấp chứng thư số cơ quan, lãnh đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã được cấp chứng thư số cá nhân (hiện có 1.491 chứng thư số); 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã chính thức triển khai ký số trên văn bản điện tử. Qua 5 tháng 2019, có 60.174/79.178 văn bản đi được ký số, đạt 76% (tăng 32% so với năm 2018). Công tác triển khai chữ ký số chuyên dùng của tỉnh được Ban cơ yếu Chính phủ kiểm tra trực tiếp và đánh giá cao về sự quyết tâm, triển khai đúng thực chất, phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn thông tin và thúc đẩy trao đổi văn bản điện tử trong CQNN của tỉnh.

Hệ thống thư điện tử tập trung của tỉnh đã cấp 4.164 hộp thư điện tử. Trong đó 100% sở, ngành và UBND các cấp có hộp thư cơ quan và trên 95% CBCC cấp tỉnh, cấp huyện được cấp hộp thư cá nhân. Tỷ lệ sử dụng thư điện tử toàn tỉnh là 93%. Ngoài ra, một số cơ quan sử dụng thư điện tử do bộ, ngành cấp như Sở Giáo dục và Đào tạo (@moet.edu.vn), Cục thuế tỉnh (@gdt.gov.vn),… tạo điều kiện thuận lợi cho CBCCVC trao đổi công vụ và tăng cường an toàn thông tin trong trao đổi.

Năm 2014, cổng thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh và trang TTĐT của 18 sở, ngành, 15 UBND cấp huyện được nâng cấp đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu kỹ thuật, cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động chỉ đạo điều hành; hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư từ Tỉnh ủy đến Huyện ủy và UBND tỉnh đến UBND huyện đã phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến huyện, tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức hội họp.

Tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ công tác cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Từ năm 2012, tỉnh đã triển khai sử dụng phần mềm một cửa phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng cho 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Đến năm 2017, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và 15 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện đưa vào theo mô hình hiện đại, kết nối, liên thông. Theo đó, phần mềm được nâng cấp với nhiều tính năng tiện ích, bảo đảm phục vụ tốt cho việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ điện tử trong CQNN của tỉnh, không phụ thuộc vào hồ sơ giấy, giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Đồng thời, chủ động cung cấp thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ cho người dân thông qua việc gửi tin nhắn vào địa chỉ email, điện thoại, zalo của người nộp hồ sơ. Hiện nay, toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận tại các Trung tâm hành chính công được đưa vào quản lý trên phần mềm, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn được công bố trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 98% (tăng 3% với năm 2018).

Lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đến năm 2020  được tỉnh ban hành từ năm 2017 (1089/QĐ-UBND ngày 27/3/2017) và cập nhật phù hợp với từng giai đoạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hàng năm. Cổng DVCTT của tỉnh (https://dichvucong.longan.gov.vn) được được nâng cấp và chính thức đưa vào vận hành kể từ ngày 05/12/2018, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chức năng theo quy định hiện hành. Đến nay, toàn tỉnh có 100% thủ tục hành chính cung cấp tối thiểu DVCTT mức độ 2, 868 DVCTT mức độ 3, 4 (Dự kiến đến cuối năm 2019 nâng lên 1200 DVCTT mức 3, 4) để người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch, nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến với Chính quyền của tỉnh 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối Internet. Từ đầu năm 2019 đến nay, có trên 1.300 hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến (tăng nhiều so với năm 2018). Thông qua Cổng DVCTT người dân có thể tra cứu nắm tình trạng giải quyết hồ sơ, được hướng dẫn về Bộ thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức (tra cứu qua website, tin nhắn SMS, tài khoản Zalo “Chính quyền điện tử tỉnh Long An”), ....

Hiện đại hóa trong quản lý, tác nghiệp chuyên ngành

Hầu hết các sở, ngành đã và đang tập trung triển khai ứng dụng CNTT phục vụ cho tác nghiệp và quản lý chuyên ngành, cụ thể: Ứng dụng CNTT trong ngành y tế phục vụ cho quản lý công tác khám chữa bệnh và quản lý dữ liệu ngành tại các bệnh viện từ tỉnh đến xã. Đồng thời, triển khai sử dụng một số phần mềm do Bộ Y tế triển khai cho toàn quốc (hệ thống Quản lý Quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh); phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh; quản lý nhân hộ khẩu, tư pháp - hộ tịch, giáo dục, doanh nghiệp, đất đai, công nghiệp - thương mại,....

Nhìn chung, công tác triển khai ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước, phục vụ cho nhu cầu xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, nâng các chỉ số xếp hạng của tỉnh, cụ thể: Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh từ hạng 4 (năm 2017) lên hạng 3 (năm 2018); Chỉ số cải cách hành chính tỉnh (Par Index) từ hạng 12 (năm 2017) lên hạng 7 (năm 2018); chỉ số xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước từ hạng 37 (năm 2017) lên hạng 28 (năm 2018); chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT – TT (ICT-INDEX) tăng đều qua các năm (năm 2015: hạng 24; năm 2016: hạng 20; năm 2017: hạng 17; năm 2018 chưa công bố).

Các nhiệm vụ trọng tâm tỉnh tiếp tục tập trung trong xây dựng Chính quyền điện tử

Đầu tư nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đạt chuẩn theo quy định, triển khai đồng bộ giải pháp hạ tầng mạng WAN nội tỉnh. Đồng thời, tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trong CQNN của tỉnh.

Đầu tư Bộ phần mềm nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP), làm nền tảng cho việc kết nối, chia sẻ các hệ thống ứng dụng CNTT trong nội bộ tỉnh và giữa tỉnh với bộ, ngành; tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, ứng dụng chuyên ngành bảo đảm liên thông, kết nối.

Tăng cường sự quyết tâm chỉ đạo và đồng bộ trong tổ chức thực hiện từ các cấp, các ngành trong tỉnh. Song song đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về CNTT giỏi để triển khai tốt các nhiệm vụ ứng dụng CNTT tại từng sở, ngành, địa phương.

Tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử để CBCC-VC và nhân dân nắm thực hiện nghiêm túc và tích cực hưởng ứng.

Tăng cường hơn nữa vốn đầu tư, nguồn sự nghiệp từ ngân sách kết hợp với thuê hạ tầng CNTT từ các doanh nghiệp trong xây dựng Chính phủ điện tử, chiến lược chuyển đổi số, tiến tới phát triển đô thị thông minh./.

Ngọc Em

Chia sẻ bài viết