Tiếng Việt | English

26/06/2019 - 05:38

Long An: Tập trung cụ thể hóa các chỉ đạo, mục tiêu của Trung ương về ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính quyền điện tử

Trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được vai trò quan trọng của việc tin học hóa hoạt động quản lý nhà nước.

Trung ương đã ban hành: Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 04/8/1993 của Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin (CNTT); Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Các quyết sách đó của Đảng và Nhà nước đã tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển và ứng dụng CNTT trong mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng Chính quyền điện tử từ Trung ương đến các địa phương.

Đối với Long An, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tổ chức các hội nghị quán triệt, chỉ đạo tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ công chức và triển khai một số hệ thống ứng dụng CNTT căn bản như trang bị máy tính, soạn thảo văn bản trên máy tính; trao đổi công vụ trên hệ thống thư điện tử của tỉnh; triển khai phần mềm một cửa điện tử tại từng sở ngành, huyện; đầu tư hệ thống họp trực tuyến tỉnh - huyện). Tuy nhiên, mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử thời gian trước đây chưa được cụ thể, rõ ràng; lộ trình, bước đi còn những mặt bất cập.

Mô hình Kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 2.0)

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra thời cơ và vận hội mới cho sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo quyết liệt công tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số bằng những văn bản chỉ đạo, với những quan điểm, mục tiêu triển khai rất cụ thể. Trọng tâm là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khoá XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị: Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; ….

Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng Chính quyền điện tử và vị thế, vai trò của CNTT, trong quá trình này, trên cơ sở các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy đã đặc biệt quan tâm tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 39-CTr/TU ngày 21/11/2014 để định hướng triển khai thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 2326/KH-UBND ngày 27/6/2016 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khoá XI) và chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung đầu tư hạ tầng CNTT (mạng, máy tính, các thiết bị phụ trợ) phục vụ cho ứng dụng CNTT, tiến hành nâng cấp, đầu tư mới, mở rộng phạm vi ứng dụng nhiều hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung toàn tỉnh (Hệ thống một cửa điện tử, quản lý văn bản và điều hành, Cổng/Trang thông tin điện tử, ký số trên văn bản điện tử) và ứng dụng chuyên ngành (quản lý hộ tịch, quản lý CBCC, đất đai, y tế, giáo dục,…).

Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch triển khai cụ thể như Quyết định số 151/QĐ-UBND ngày 12/01/2017 về phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Long An; Kế hoạch số 5058/KH-UBND ngày 05/12/2016 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 04/01/2017 về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 3029/KH-UBND ngày 13/8/2015 về tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và nhân dân giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 19/4/2019 về thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Kế hoạch 98/KH-UBND ngày 03/5/2019 về thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, quan tâm triển khai các dự án đầu tư hạ tầng CNTT, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025 như sau:

- Hoàn thiện các Hệ thống thông tin của tỉnh nhằm đáp ứng tốt việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với Trục liên thông văn bản quốc gia và các hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương.

- Triển khai đồng bộ Mạng truyền số liệu chuyên dùng từ tỉnh đến xã, xác định đây là hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin Chính quyền điện tử tỉnh.

- Bảo đảm Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử.

- 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của tỉnh.

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

- 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và của tỉnh, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

- Tiếp tục nâng cao các chỉ số liên quan đến ứng dụng CNTT (ICTIndex, PCI, PAR Index), đặc biệt là các chỉ số về dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác chỉ đạo, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử (trên cơ sở kiện toàn Ban chỉ đạo CNTT) để tập trung chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng ĐĐBQH, HĐND và UBND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh đối với những đơn vị còn hạn chế; tỉnh tiếp tục quan tâm tập trung các nguồn lực để đầu tư cho CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử; tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh nắm và tích cực tham gia, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh./.

Ngọc Em

Chia sẻ bài viết