Tiếng Việt | English

29/10/2015 - 08:57

Khách dự tiệc cưới “tắm” bằng rượu

Một đám cưới ở quê “tiết kiệm” nhất, khi mỗi mâm bày một vài chai thôi cũng mất cỡ trên trăm lít rượu.

Mùa cưới năm nào cũng vậy, hễ cứ thấy có thiệp mời đi dự cưới ở một số vùng quê là tôi sợ. Sợ ở đây không phải ở khoản lo tiền mừng cưới, mà chính là việc khách dự tiệc thường uống quá nhiều rượu, khi gia chủ tiếp rượu thoải mái theo nhu cầu của khách.

Theo phong tục của tiệc rượu ở quê, mọi người đều cạn chén trong một lần uống, để lượt sau rót tiếp và lại cạn... Cứ như vậy, các chén rượu cứ đầy rồi lại cạn liên tục.

Rượu thường được nấu bằng bắp, gạo với độ cồn rất cao, khoảng 45 - 500. Theo tôi biết, một đám cưới ở quê “tiết kiệm” nhất, khi mỗi mâm bày một vài chai thôi cũng mất cỡ trên trăm lít rượu, còn nếu để khách uống thoải mái theo nhu cầu thì vài ba trăm lít là bình thường.

Ở các vùng cao, nhiều đám cưới gia chủ hết cả mấy chum rượu lớn, chứ không đo đếm bằng lít, bằng can...

Rượu vào nhiều thường lời ra, người ta say rượu không làm chủ bản thân. Các cuộc cãi vã, tranh luận, thậm chí là đánh nhau, chửi nhau trong tiệc cưới vẫn xảy ra. Có khi chỉ là câu nói đùa đơn giản, nhưng do rượu sai khiến, đối tác cho rằng mình bị khích bác, nói đểu và rồi dẫn tới cãi vã, chửi nhau, đánh nhau... gây nhiều phiền toái cho gia chủ hơn là vui.

Tác hại khôn lường

Rượu bia bản chất là ethanol nên khi uống quá nhiều sẽ để lại nhiều hậu quả xét về mặt y học. Ở đây chỉ xin bàn đến tác hại cấp tính của việc “tắm” rượu bia:

- Hậu quả đầu tiên là ngộ độc rượu cấp tính:

+ Ethanol là chất ức chế thần kinh trung ương, giai đoạn đầu của say rượu vỏ não bị mất kiểm soát nên các biểu hiện sẽ là kích thích thần kinh như sảng khoái, phấn chấn, thích nói cười, la lối, dễ bị kích động, hung hăng... Giai đoạn này là tiền đề cho những xung đột cãi vã do rượu bia và có thể dẫn đến đánh nhau

+ Liều cao hơn một ít bắt đầu gây rối loạn thị giác (nhìn mờ, nhìn đôi), mất khả năng điều hòa, phối hợp các động tác của cơ thể làm đi đứng không vững, run tay chân. Giai đoạn này là tiền đề cho những tai nạn tại nhà (tự té ngã gây chấn thương) hoặc tai nạn giao thông.

+ Với liều cao, ethanol có tác dụng như thuốc mê, gây hôn mê, rối loạn các chức năng tự động của cơ thể (giãn nở các mạch máu, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, tiêu tiểu không tự chủ) và tử vong do suy hô hấp, trụy tim mạch.

- Tử vong do ngộ độc methanol: chất này bản chất cũng là rượu được sinh ra trong quá trình chưng cất rượu không đảm bảo quy trình, hoặc uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu lậu có pha thêm cồn công nghiệp.

- Viêm tụy cấp tính do uống rượu bia quá nhiều trong một lần gây đau bụng và nôn ói rất nhiều, có thể lầm lẫn với viêm loét dạ dày do rượu bia.

- Viêm gan cấp tính: việc uống rượu bia quá nhiều trong một lần có thể gây viêm gan cấp tính làm vàng da trên những người khỏe mạnh, gan hoàn toàn bình thường trước đó hoặc làm bùng phát viêm gan trên những người đã có bệnh gan tiềm ẩn mà không biết, và dạng này sẽ dễ dẫn đến suy gan cấp tính với tỉ lệ tử vong rất cao.

- Viêm loét dạ dày cấp tính: nhẹ thì gây đau bụng trên rốn, nôn ói; nặng thì gây viêm dạ dày thể xuất huyết làm xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn ra máu và đi cầu phân đen./.

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG

 Nguyễn Anh Tuấn(ĐH Y Hà Nội)/tuoitre online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích