Tiếng Việt | English

21/06/2020 - 16:10

Khi vợ tôi làm nghề báo

Tháng 6 về, những nỗi niềm xoay quanh “người cầm bút” lại được viết lên với những câu chuyện đời, chuyện nghề xen lẫn buồn, vui. Đó là sự dấn thân của người làm nghề báo, sự chia sẻ, động viên từ gia đình, nhất là những người chồng có vợ làm phóng viên, nhà báo. Những người đàn ông ấy dường như thấu hiểu và bao dung hơn để người phụ nữ của mình được “cháy” hết mình với nghề.

Anh Quang Khương dành nhiều thời gian chăm sóc cây kiểng  để không gian sống thêm xanh

Anh Quang Khương dành nhiều thời gian chăm sóc cây kiểng để không gian sống thêm xanh

Hạnh phúc khi vợ được làm công việc yêu thích

Hơn 10 năm về chung một nhà, anh Dương Quang Khương - chồng nhà báo Đức Hạnh, đang công tác tại Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Long An, hiểu rõ đặc thù công việc của vợ. Những lần chị Hạnh đi sớm, về muộn hay đi công tác dài ngày, làm việc ban đêm hoặc làm luôn cuối tuần,… đã không còn xa lạ với anh. Những lần như thế, anh đều cảm thông, ủng hộ, động viên vợ dù đôi lúc cũng cảm thấy trăn trở, xót xa. Đó là những lần chị phải đi làm lúc nửa đêm hay có những chuyến công tác xa nhà gần 1 tuần. Khi ấy, chị Hạnh đang làm tại Trung tâm Truyền hình Thông tấn tại TP.HCM (thuộc Thông tấn xã Việt Nam), trong khi anh Khương làm việc ở Long An. Mỗi ngày, anh đi, về hơn 60km, ròng rã 8 năm nhưng không than phiền hay trách khi chị dành nhiều thời gian cho công việc. Bởi, thấy chị hạnh phúc khi được làm công việc yêu thích, anh cũng vui.

Anh Khương tâm sự: “Khi vợ kể về công việc sẽ luôn là những câu chuyện dài bất tận. Cô ấy đam mê nghề và hạnh phúc khi được làm những đề tài hay, mới lạ, dù có vất vả. Đặc biệt, có khoảng thời gian, cô ấy thường đi công tác ở tỉnh từ 3-5 ngày, việc gia đình, con cái, tôi choàng gánh hết. Hôm nào khó sắp xếp thì tôi xin nghỉ làm hoặc nhờ mẹ tôi giúp. Đó là tính chất công việc của vợ nên tôi san sẻ và ủng hộ cô ấy”.

Chuyển về Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Long An, 1 năm nay, chị Hạnh không còn những chuyến đi xa ở các tỉnh khác như trước nhưng dường như anh Khương chia sẻ, hỗ trợ vợ nhiều hơn. Khi chị đi làm, đi công tác huyện, anh Khương thường xuyên đưa, đón. Ở nhà, anh tạo điều kiện cho chị có thời gian rảnh để viết bài, nghiên cứu đề tài. 

“Sắp xếp thời gian được thì tôi đưa, đón vợ đi làm, đi công tác. Với tôi, việc làm ấy không cực, trong khả năng của mình, miễn vợ thuận lợi làm việc là được” - anh Khương nói thêm.

Bên cạnh sự san sẻ, động viên, gia đình anh Khương cũng thường xuyên có những chuyến du lịch, khoảng thời gian dành riêng cho nhau để thắt chặt tình cảm. Sau những chuyến đi chơi, khoảng thời gian thư giãn bên nhau, anh, chị lại trở về với công việc và giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

Chia sẻ khó khăn với vợ

“Lúc vợ mới về công tác ở Đài Truyền thanh huyện Thủ Thừa (nay là Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh), những chuyến đi công tác sớm hay về trễ đều có tôi đồng hành. Có lần, huyện tổ chức hội thao quốc phòng, 5 giờ sáng, tôi chở cô ấy đi quay phim mọi người chạy bộ” - anh Nguyễn Hoàng Phong - chồng phóng viên Mộng Đào, chia sẻ.

Từ những ngày đầu chị bước vào nghề, anh đã ở bên để san sẻ, động viên, giúp đỡ và đến nay vẫn vẹn nguyên như thế. Chị cần là anh sẵn sàng sắp xếp công việc để hỗ trợ. Đặc biệt, công việc nhà, chăm sóc con, anh không chỉ làm mà còn choàng gánh thêm một phần của chị khi vợ bận việc cơ quan.

Anh Phong thổ lộ: “Chăm sóc con, vun vén, giữ gìn hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của hai vợ chồng. Những việc tôi làm cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ nên tôi không xem đó là vất vả. Vợ bận việc thì tôi làm nhiều hơn, tôi bận việc thì vợ làm nhiều hơn. Quan trọng là sắp xếp và dung hòa giữa công việc và gia đình để gìn giữ hạnh phúc. Tuy nhiên, do đặc thù công việc nên tôi luôn san sẻ và thông cảm khi vợ bận”.

Không những hiểu công việc của vợ, anh Phong còn chia sẻ về đặc thù nghề báo để cha mẹ mình hiểu, thông cảm với con dâu. Nhờ anh là “cầu nối” vững chắc, tình cảm giữa chị Đào và cha mẹ chồng không chỉ khắng khít mà chị còn nhận được sự cảm thông, lời động viên khi đi sớm, về muộn hay công việc có lúc vất vả.

Chị Đào kể: “Có lần tôi đi họp mặt ở tỉnh về tối nên nhờ chồng đón. Anh ấy đến nhưng tôi chưa xong việc nên phải chờ. Anh ấy là vậy đó, luôn thương và cảm thông cho vợ. Cha mẹ chồng tôi cũng xem tôi như con gái ruột và hiểu cho công việc của tôi”.

Gia đình anh Hoàng Phong, chị Mộng Đào

Gia đình anh Hoàng Phong, chị Mộng Đào

Giữ lửa hạnh phúc gia đình, mỗi dịp kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật chị, 8/3, 21/6, 20/10,… anh đều tổ chức tiệc chúc mừng và tặng quà cho chị. “Đó có thể là những buổi tiệc nhỏ, món quà nhỏ nhưng tấm lòng và tình cảm tôi dành cho vợ thì rất lớn. Tôi thấy hạnh phúc khi được cưới cô ấy làm vợ” - anh Phong bộc bạch.

Anh Phong cũng là người động viên vợ đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Gần 4 năm chị đi học, anh gánh thêm một phần công việc gia đình, chăm sóc con nhưng vẫn chu toàn để chị an tâm làm việc, học tập.

Có được sự hậu thuẫn vững chắc từ chồng, những nữ phóng viên, nhà báo như được tiếp thêm sức mạnh, sẵn sàng lăn xả với nghề nhưng vẫn dung hòa và giữ hạnh phúc gia đình./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết