Tiếng Việt | English

05/02/2016 - 21:07

Khoa học-công nghệ làm thay đổi tư duy của nông dân

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định, khoa học và công nghệ (KH&CN) phải thực sự là động lực then chốt, góp phần tạo nền tảng vững chắc trong thời gian tới. Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đây là 1 trong 2 chương trình đột phá nhiệm kỳ 2015-2020.


Kỹ sư Nguyễn Văn Cơ và nông dân Năm Tràng (kinh nghiệm 20 năm trồng khóm) trao đổi về biện pháp kỹ thuật để cây khóm cho năng suất cao hơn

Nâng cao hiệu quả cây trồng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi” (trích bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam vào ngày 18-5-1963). Đó cũng chính là nguyên lý, phương châm và sứ mạng cao cả của KH&CN đến ngày hôm nay. Cùng với sự phát triển chung của ngành KH&CN Việt Nam qua hơn 56 năm, hoạt động KH&CN của tỉnh có những bước tiến mới, quan trọng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh. Các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến từng ngày, từng bước đi vào mọi lĩnh vực đời sống, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa.

Trên địa bàn huyện Đức Huệ, nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng cho năng suất và thu nhập cao hơn cây lúa; trong đó, hiệu quả nhất là cây chanh và thiên lý. Thiên lý là loại cây chịu ảnh hưởng mạnh của quang kỳ (có thời gian chiếu sáng từ 16 giờ trở lên). Khi thời gian chiếu sáng thấp hơn 16 giờ/ngày sẽ ức chế sự ra hoa. Do đó, để thiên lý ra hoa thường xuyên, ổn định và liên tục thì ngoài chế độ chăm sóc, người trồng còn thắp đèn cho cây vào những ngày có thời gian chiếu sáng ngắn.

Khi thắp đèn, người dân chủ yếu sử dụng bóng đèn dây tóc (đèn tròn có công suất 40W-60W) khiến chi phí sản xuất tăng cao, hệ thống lưới điện mất ổn định. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có thể thay thế bóng đèn dây tóc bằng đèn huỳnh quang để thắp cho cây ngày dài. Đèn huỳnh quang 20W ánh sáng vàng có tuổi thọ trung bình 6.000 giờ, hiệu suất năng lượng phát quang cao có thể đến 751MIW, đạt độ sáng tương đương với một đèn sợi đốt thông thường 75W, quang thông phát ra đạt 900 lumen nên có thể tiết kiệm được 80% điện năng. Đây là đề tài khoa học được ứng dụng vào sản xuất trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, do Sở KH&CN làm chủ đầu tư, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ làm chủ dự án.

Chủ nhiệm đề tài - Kỹ sư Nguyễn Xuân Du cho biết: “Khi thay đổi hệ thống thắp sáng đèn dây tóc bằng đèn huỳnh quang, năng suất của thiên lý vẫn ổn định và chất lượng bông bảo đảm. Do đó, hiện nay, 95% nông dân trồng bông thiên lý chuyển sang sử dụng đèn huỳnh quang tiết kiệm điện và có tuổi thọ cao hơn”.

Chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường

Đề tài thử nghiệm nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học do Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tân Trụ - Trần Văn Ngộ là chủ nhiệm đề tài giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường trong điều kiện nền nông nghiệp nước ta còn manh mún, các hộ dân cư và chăn nuôi ở xen kẽ nhau. Ngoài ra, đề tài còn giúp người chăn nuôi tăng thu nhập do sử dụng triệt để lượng chất thải của heo kết hợp chất đệm (mùn cưa, trấu) và men vi sinh để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ. Mặt khác, heo nuôi trên đệm lót sinh học hoạt động nhiều, thịt săn chắc và ngon hơn heo nuôi dạng công nghiệp nên được thương lái chọn mua với giá cao.

Chủ nhiệm đề tài đồng thời là người trực tiếp nuôi heo theo mô hình - Kỹ sư Trần Văn Ngộ cho biết: “Ngoài những lợi ích trên thì việc nuôi heo trên đệm lót sinh học còn giúp tiết kiệm điện, nước, nhân công lao động. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất hiện nay là làm sao để nông dân áp dụng mô hình. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích nuôi heo trên nền đệm lót sinh học bằng cách hỗ trợ nông dân tiền mua mùn cưa và trấu lót nền thì chắc chắn sẽ có nhiều người thực hiện theo mô hình này”. Được biết, Kỹ sư Ngộ đang kiến nghị Sở KH&CN tiếp tục cho thực hiện đề tài nuôi heo nái sinh sản trên nền đệm lót sinh học. Nếu được chấp thuận, sẽ mở ra hướng mới trong chăn nuôi với đa lợi ích, nhất là hạn chế ô nhiễm môi trường, tận dụng triệt để phế thải nông nghiệp, hướng đến sản xuất bền vững.

Thay đổi cách làm - tăng hiệu quả

Hiện nay, nhiều hộ nông dân trồng khóm ứng dụng đề tài khoa học Quản lý dịch hại tổng hợp cây khóm trên địa bàn huyện Bến Lức của Kỹ sư Nguyễn Văn Cơ, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bến Lức. Nhờ vậy, vùng khóm hơn 300ha ở ấp 4, xã Thạnh Lợi đang dần hồi phục lại thuở cây khóm lên ngôi.


Quy cách mắc bóng đèn huỳnh quangtrên giàn thiên lý 1 năm tuổi

Ông Huỳnh Văn Tràng (Năm Tràng) ở ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức cho biết: Thực hiện theo đề tài, nông dân chỉ cần thay đổi về cách làm như: Để đường rãnh rộng ở giữa liếp và khi chăm sóc khóm xong, nông dân rút cầu, không cho kiến, bọ từ bờ bò vào liếp phá hoại cây trồng. Từ đó bớt chi phí sử dụng thuốc. Tôi ước tính, áp dụng theo mô hình của Kỹ sư Cơ, lợi nhuận tăng thêm khoảng 15 triệu đồng/ha. Ngoài ra, việc để đường rãnh rộng còn giúp người dân đi lại rải phân, chăm sóc rất thuận tiện”.

Kỹ sư Nguyễn Văn Cơ cho biết: “Hiện nay, giá khóm đang tăng nên nhiều hộ nông dân ở xã Thạnh Lợi và Thạnh Hòa, huyện Bến Lức khôi phục việc trồng khóm. Diện tích ước tính có thể lên khoảng 500ha. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục đề nghị thực hiện đề tài trồng khóm theo mô hình VietGAP để phục hồi thương hiệu khóm Bến Lức, nhằm tạo đầu ra và thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân”.

KH&CN đang làm thay đổi tư duy của nông dân. Ứng dụng KH&CN nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.

Điểm chuyển biến mạnh mẽ của hoạt động KH&CN tỉnh là có nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng cấp cơ sở, thể hiện vai trò đột phá, định hướng của KH&CN. Trong năm 2015, có 11 đề tài cơ sở được chuyển tiếp từ kế hoạch KH&CN năm 2014 với tổng kinh phí chuyển tiếp 1,25 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, có 7/11 đề tài của kế hoạch chuyển tiếp năm 2015 được nghiệm thu; 13 đề tài trong tổng số 17 đề tài nghiên cứu khoa học của kế hoạch 2015 được tổ chức xét duyệt, đạt 76,5% kế hoạch năm 2015. 

(Theo Sở Khoa học và Công nghệ)

Đại Lâm 

 

Chia sẻ bài viết