Mạnh dạn khởi nghiệp
“Bạn đừng nản lòng, có áp lực rồi mới thành công” - chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) mở đầu câu chuyện trong hành trình khởi nghiệp của mình bằng hình thức kinh doanh trực tuyến (online) các loại bánh tự làm.
Chị Quỳnh Như chia sẻ, trước đây, chị công tác tại thị trấn Hậu Nghĩa nhưng vì gia đình, chị nghỉ việc và tìm hướng đi riêng. Bằng đôi tay khéo léo và đam mê nấu nướng, chị chọn nghề làm bánh. Sau đó, chị có thời gian ngắn đi học nghề tại TP.HCM. Cách đây khoảng 6 năm, chị thực hiện ước mơ làm chủ của mình và bán hàng trên các mạng xã hội Zalo, Facebook. Với sự tinh tế và sáng tạo, chị Quỳnh Như tạo ra nhiều loại bánh vừa ngon, lạ miệng, vừa đẹp mắt.
Nhờ được hỗ trợ vốn, chị Nguyễn Thị Quỳnh Như khởi nghiệp thành công
Trước khi học, chị tìm hiểu kỹ thông tin các loại bánh, lớp học và lựa chọn lớp phù hợp nhất cho mình. Sau khi hoàn thành các lớp cơ bản, chị tự học trực tuyến để nâng cao tay nghề và tìm cảm hứng sáng tạo cho các “tác phẩm” . Giờ đây, chị Quỳnh Như có thể làm được nhiều loại bánh: Rau câu sinh nhật, bánh bông lan trứng muối, bánh bò thốt nốt,... Mỗi loại bánh đều có công thức riêng, đòi hỏi người làm phải thật khéo léo. Đặc biệt, chị chọn những loại nguyên liệu tốt cho sản phẩm của mình, ưu tiên sử dụng màu và hương liệu nguồn gốc thiên nhiên: Màu xanh lá dứa; màu hồng lá cẩm, thanh long; màu hoa đậu biếc; màu nâu của cà phê;...
“Tôi cho rằng, làm nghề gì cũng cần có niềm đam mê. Tôi không ngại khi bắt đầu khởi nghiệp ở độ tuổi 35. Ban đầu, tôi cũng lo lắng, gặp nhiều áp lực khi bước chân vào nghề này. Tôi nhớ có lần mình phải bỏ hàng trăm cái bánh khi sản phẩm làm ra không được như ý. Rồi thiếu vốn, khách hàng cũng chưa nhiều, trong khi bánh nhà tự làm là những sản phẩm không chứa chất bảo quản nên thời gian để không được lâu. Nhưng rồi lâu dần, nhờ bánh ngon, lại đẹp mắt, khách này mua giới thiệu khách khác.
Sau đó, tôi cũng được Hội LHPNVN huyện Đức Hòa giới thiệu vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua máy móc, nguyên liệu làm bánh. Nhờ đó, công việc kinh doanh ngày càng khởi sắc” - chị Quỳnh Như kể. Hiện nay, công việc kinh doanh dần đi vào ổn định, chị Quỳnh Như có một lượng khách hàng tương đối với thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng.
Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp
Qua 5 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ PN khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939), giai đoạn 2017-2022, nhiều PN được hỗ trợ khởi nghiệp thành công. Nhiều gia đình hội viên, PN tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm trao bằng khen cho đại diện các tập thể đạt thành tích trong thực hiện Đề án 939, giai đoạn 2017-2022
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm cho biết, hiện nay, PN trong tỉnh chiếm hơn 50% dân số. Lực lượng lao động nữ ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ khá nhiều. Tuy nhiên, với đặc tính giới, PN cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Những định kiến tồn tại lâu đời liên quan đến gia đình và các con cũng như những rào cản khiến PN ít có cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại hay được đào tạo, giao lưu, học hỏi.
Bên cạnh đó, đây là đề án mới, đề cao vai trò tự tin, sáng tạo của PN nên quá trình triển khai gặp không ít trở ngại. Nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình của hội viên, PN chưa đồng đều. Việc hỗ trợ xây dựng các hoạt động kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm còn gặp khó. Đa phần các ý tưởng, dự án của PN vẫn còn nhỏ, lẻ, chưa có sự cạnh tranh trên thị trường. Việc vận động PN tham gia các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã còn hạn chế,...
Thời gian tới, Hội LHPNVN các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ PN khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp hiệu quả, chú trọng tập huấn, kết nối hỗ trợ vốn; khuyến khích PN ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh; tăng cường giới thiệu, quảng bá các ý tưởng, sản phẩm đến với cộng đồng, giúp hội viên, PN giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình./.
Hội LHPNVN tỉnh thường xuyên tổ chức Ngày PN sáng tạo - khởi nghiệp với nhiều hoạt động thiết thực, tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng, miền, các mặt hàng thời trang, đồ dùng gia đình.
Giai đoạn 2017-2022, Hội LHPNVN các cấp phối hợp tổ chức 163 lớp tập huấn kiến thức lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng quản lý tài chính; kỹ năng tiếp thị, bán hàng trực tuyến; chia sẻ kinh nghiệm về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp;... với gần 8.000 hộ kinh doanh, doanh nghiệp nữ, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Đến nay, Hội LHPNVN tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền gần 5.440 tỉ đồng để giải quyết cho hội viên, PN đầu tư khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, giải quyết việc làm. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Long An, Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt chi nhánh Long An,... để tăng nguồn vốn, hỗ trợ kịp thời cho PN có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh.
|
Thanh Nga