Tiếng Việt | English

20/05/2020 - 07:04

Kích cầu du lịch nội địa sẽ giảm khó cho các ngành dịch vụ

Khách quốc tế khám phá miền sông nước Tiền Giang. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Khách quốc tế khám phá miền sông nước Tiền Giang. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Khách quốc tế khám phá miền sông nước Tiền Giang. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và được dự đoán sẽ là một trong những ngành cần nhiều thời gian nhất để có thể phục hồi hoàn toàn.

Các chuyên gia nhận định an toàn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong ngành du lịch và mọi người sẽ chỉ bắt đầu đi du lịch trở lại khi họ cảm thấy thật sự an toàn. Bởi vậy, nhu cầu du lịch trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Tuy nhiên, việc khôi phục hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào năm 2021.

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á-Thái Bình Dương, lưu ý riêng đối với phân khúc du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác...) dự kiến sẽ là một trong những phân khúc phục hồi sau cùng vì những hoạt động này thường đòi hỏi sự tập trung lượng lớn người tham dự.

Tuy nhiên, nguồn khách MICE nội địa dự kiến có thể phục hồi lại khi được Chính phủ cho phép. Các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn phải được áp dụng nghiêm ngặt và các doanh nghiệp cũng cần cắt giảm quy mô của những buổi hội họp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản, vì những buổi ra mắt dự án thường diễn ra với sự tham gia của một lượng lớn các khách hàng - ông Mauro Gasparotti phân tích.

Hoạt động MICE sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi đa số các doanh nghiệp hiện nay đều thực hiện cắt giảm chi phí cho các sự kiện và hoạt động giải trí trong ít nhất hai quý tới. Các sự kiện quy mô nhỏ dự kiến sẽ được phục hồi trước.

Các sự kiện quốc tế được tổ chức bởi các tập đoàn đa quốc gia với sự tham gia của lượng lớn khách quốc tế sẽ chỉ được tổ chức trở lại sau khi các chính sách hạn chế du lịch được dỡ bỏ và mức chi tiêu của các doanh nghiệp tăng trở lại mức trước đại dịch. Quá trình này có thể sẽ mất một thời gian khá dài.

Ông Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels Asia Pacific, nhận xét các khách sạn phụ thuộc nhiều vào phân khúc khách du lịch quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với những khách sạn có nguồn khách doanh nghiệp mạnh.

Dưới một góc nhìn khác, ông Adam Bury - Giám đốc bộ phận Tư vấn và Đầu tư Khách Sạn tại JLL (Tập đoàn Jones Lang LaSalle), nhận xét việc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng buộc các khách sạn phải tìm phương án huy động vốn ngắn hạn từ những đối tác có nguồn vốn dồi dào, điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội mới.

Tại châu Á, JLL ghi nhận một số thị trường khách sạn vẫn có công suất phòng đạt được yêu cầu đặt ra nhờ vào việc cung cấp cơ sở cách ly hoặc nơi lưu trú nhằm hỗ trợ các biện pháp chống dịch của chính phủ. Bằng cách này, các khách sạn cố gắng duy trì hoạt động để có thêm doanh thu để bù vào chi phí để đạt được mức hòa vốn, tuy nhiên rất khó để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với khoản vay.

Các giải pháp tài chính ngắn hạn này đang được áp dụng để thu hẹp sự chênh lệnh dòng tiền cho đến khi nhu cầu về du lịch tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, theo phân tích của JLL, tình trạng căng thẳng tài chính sẽ xuất hiện khi các kênh huy động vốn truyền thống thắt chặt những điều khoản cho vay.

Thống kê của CBRE Việt Nam cho thấy sang quý 2/2020 bắt đầu có sự gia tăng nhu cầu tìm mua lại tài sản đang gặp khó khăn về dòng tiền; trong khi số lượng tài sản có nhu cầu bán ở phân khúc khách sạn 4-5 sao là không đáng kể, vì chủ sở hữu, chủ đầu tư ở các phân khúc này thường là những tập đoàn lớn có đủ dự trữ vốn để vượt qua đợt khủng hoảng này. Một số khách sạn cao cấp đang được chào bán hiện nay thực ra đã được mở bán từ trước khi dịch bệnh xảy ra./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích