Hộ chăn nuôi tiến hành chôn lấp, tiêu hủy, xử lý bò bị chết do dịch bệnh
Người nuôi lo lắng Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Duyên, ngụ ấp 5, xã Mỹ Quý Tây, cứ liên tục đi ra, đi vào chuồng trại kiểm tra đàn bò. Hiện bà nuôi 19 con bò, trong đó có 10 con bò sinh sản. Điều bà không yên tâm là mấy hôm trước, 1 con bò trong đàn đã bị chết do bệnh VDNC.
Còn ông Lâm Văn Phong, ngụ ấp 1, xã Mỹ Quý Tây, có tổng đàn bò 9 con, tuy nhiên ngày 14/8 đã có 2 con bò bị chết do bệnh VDNC. Trước tình hình này, ông Phong rất lo sợ dịch bệnh sẽ xảy ra trên đàn bò còn lại, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Cách nhà ông Phong không xa, hộ ông Đặng Văn Hoài cũng có 1 con bò khoảng 70kg vừa bị chết do dịch bệnh này. Bò chết có dấu hiệu chân sưng, chảy nhiều nước bọt, dịch mủ hết 2 chân, trên da nổi cục toàn thân. Ngoài con bò bị chết, ông Hoài vẫn còn lại 2 con bò cái sinh sản nhưng có 1 con đang có triệu chứng bị bệnh VDNC.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, dịch bệnh VDNC trên bò đầu tiên được phát hiện gần đây tại huyện là vào ngày 10/7/2021 ở xã Mỹ Quý Tây. Sau đó, dịch bệnh tiếp tục phát sinh ở các xã: Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Bắc và Mỹ Thạnh Tây. Chỉ tính từ ngày 09 đến 21/8/2021, có 24 hộ chăn nuôi ở 4 xã này có tổng đàn bò gần 140 con, trong đó phát hiện 26 con chết do bệnh VDNC (riêng xã Mỹ Quý Tây có 16 con). Tất cả những con bò bị chết do dịch bệnh này đều được các hộ nuôi tiêu hủy và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Chăn nuôi trâu, bò ở huyện Đức Huệ tập trung chủ yếu ở các xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Bắc và Bình Hòa Bắc. Theo thống kê, tổng đàn trâu, bò nuôi ở huyện thời điểm tháng 7-2021 là 11.182 con, 3.575 hộ chăn nuôi, trong đó chủ yếu là bò thịt và sinh sản. Tính đến ngày 16/8/2021, huyện đã thực hiện tiêm vắc-xin ngừa bệnh VDNC cho trâu, bò được 6.800 con/11.182 con, đạt 60,8%.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Những ngày tới, khả năng dịch bệnh VDNC trên bò trên địa bàn huyện Đức Huệ vẫn còn phức tạp, do có tốc độ lây lan nhanh. Trường hợp bò đã tiêm phòng thì cần thời gian 21 ngày mới đáp ứng miễn dịch. Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên quá trình, tiến độ tiêm vắc-xin ngừa bệnh VDNC trên trâu, bò cũng bị ảnh hưởng.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Huệ - Phạm Văn Luốc, thực tế có những hộ chăn nuôi không đồng ý cho cán bộ thú y vào thực hiện công tác tiêm phòng trên bò vì sợ lây nhiễm bệnh Covid-19. Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 trên người, việc tập trung lực lượng thú y viên cũng gặp khó khăn và nguồn cung ứng vắc-xin tiêm phòng cho bò còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời. Bên cạnh đó, giá thành vắc-xin ngừa VDNC trên bò khá cao, quy cách đóng chai lớn và thời gian sử dụng sau khi pha ngắn, chỉ khoảng 2 giờ. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, dân cư ở phân tán nên rất khó khăn trong công tác tổ chức tiêm phòng. Người chăn nuôi vẫn còn chủ quan, chưa chú trọng đến việc tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC cho trâu, bò, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hiện UBND huyện Đức Huệ yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về dịch bệnh VDNC trên trâu, bò để chủ động triển khai các biện pháp khống chế dịch theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
"Huyện kiến nghị ngành chuyên môn ở tỉnh hỗ trợ thêm nguồn vắc-xin phòng bệnh VDNC để tiếp tục tiêm cho đàn trâu, bò còn lại. Huyện cũng nghiêm cấm vận chuyển trâu, bò ra khỏi vùng dịch để ngăn ngừa lây lan trên diện rộng" - ông Phạm Văn Luốc thông tin./.
Vũ Quang