Người dân lo lắng trước tình trạng phân bón giả, kém chất lượng (Ảnh minh họa)
Tình hình vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp còn xảy ra, nhất là sản xuất, kinh doanh (SXKD) PB giả, kém chất lượng hoặc PB chưa có quyết định công nhận được phép lưu hành tại Việt Nam. Đặc biệt, sau thời điểm xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, giá nguyên, vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn đến việc SXKD PB giả, kém chất lượng có chiều hướng tăng so với trước đây.
"Thực tế, nông dân vẫn lúng túng trước “ma trận” danh mục vật tư nông nghiệp. Dù mấy chục năm làm nông nhưng cũng khó phân biệt được PB thật hay giả, chất lượng thế nào” - ông Lê Văn Lắm (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) nói.
Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X diễn ra vào tháng 7/2022, một đại biểu HĐND tỉnh cho rằng: “PB giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của nông dân. Nông dân đang trong tình cảnh "một cổ hai tròng", vừa phải chịu tác động của việc giá PB tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn PB giả, kém chất lượng. Theo đó, đề nghị ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm".
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh - Phạm Đức Chinh cho biết: “Cục QLTT chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh PB trên địa bàn tỉnh; lấy mẫu PB gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý một số trường hợp vi phạm SXKD PB giả, kém chất lượng”.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 81 vụ SXKD hàng giả, kém chất lượng (48 vụ kém chất lượng, 5 vụ giả nhãn hiệu, 28 vụ PB giả chất lượng). Trong đó, năm 2022, phát hiện, xử lý 5 vụ hàng giả, 27 vụ PB giả chất lượng, 44 vụ hàng kém chất lượng (tăng trên 50% so với 2021).
Liên quan đến mặt hàng PB, năm 2022 xử phạt mức khá cao đối với một số vụ vi phạm. Lực lượng QLTT phát hiện một công ty (Cty) có hành vi vi phạm về sản xuất PB giả về giá trị sử dụng, công dụng; sản xuất PB không có quyết định công nhận PB lưu hành tại Việt Nam; sản xuất PB có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm theo quy định về thời gian của từng lô PB sản xuất đã xuất xưởng;...
Với 5 hành vi vi phạm trên, Cty này bị tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 384 triệu đồng. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép sản xuất PB vô cơ của Cty trong thời hạn 10,5 tháng; buộc Cty tiêu hủy 50 bao PB (loại 50kg/bao) không có quyết định công nhận PB lưu hành tại Việt Nam, thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng 90 bao PB có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Cùng với xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty này, tỉnh cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 Cty khác với số tiền trên 140 triệu đồng do liên quan hành vi buôn bán PB giả về giá trị sử dụng, công dụng; buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Ngoài ra, trong năm 2022, cơ quan chức năng cũng truy xuất, xử lý một Cty vi phạm về buôn bán PB có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với số tiền phạt gần 715 triệu đồng; truy xuất, xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng đối với chi nhánh của một Cty về sản xuất PB giả.
“Ngoài xử lý vi phạm hành chính, Cục QLTT tỉnh còn chuyển cơ quan Công an huyện Đức Huệ và Thủ Thừa xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự 2 vụ kinh doanh PB giả, tang vật vi phạm gần 70 bao PB giả” - ông Phạm Đức Chinh thông tin.
Thời gian tới, các lực lượng chức năng trong tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, lên kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến SXKD PB giả./.
Liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có mặt hàng PB, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh - Nguyễn Văn Út chỉ đạo các cấp, các ngành xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không có vùng cấm. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương chủ động đánh giá thực trạng, tình hình kết quả, nhận diện, chỉ rõ những vấn đề nổi cộm, phức tạp về đối tượng, tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn mới về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh, kiểm tra, điều tra, xác minh; tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu, đường dây, ổ, nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng chức năng làm tốt công tác nghiệp vụ, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,..
|
Lê Đức