Tiếng Việt | English

01/11/2021 - 11:14

Nỗi lo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng

Chất lượng vật tư nông nghiệp luôn là vấn đề được nông dân quan tâm. Ngoài việc giá cả phân bón tăng “nhảy vọt”, nhiều nông dân còn băn khoăn, lo lắng về phân bón giả, kém chất lượng.

Những bao phân bón bị lực lượng chức năng tạm giữ

Những bao phân bón bị lực lượng chức năng tạm giữ

Cách đây 2 năm, cơ quan chức năng lấy mẫu gần 300 bao phân bón (50kg/bao) được bán cho một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Đông và Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An để kiểm tra. Trên cơ sở kết quả phân tích xác định, toàn bộ các bao phân bón là giả. Vụ việc này sau đó được cơ quan chuyên môn thụ lý để điều tra nguồn gốc, xuất xứ, quá trình tiêu thụ.

Cũng từ những vụ việc như thế, mỗi khi vào vụ mùa mới với nhiều kỳ vọng thì nông dân cũng không tránh khỏi lo lắng. Ngoài lo đầu ra nông sản gặp khó khăn, giá bán thấp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao,... nông dân còn lo mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dỏm, kém chất lượng.

Thực tế, nông dân gặp lúng túng trước một “ma trận” danh mục vật tư nông nghiệp, nhất là thuốc BVTV. “Mấy chục năm làm nông nên tôi có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Tuy nhiên, với phân bón, thuốc BVTV thì cũng khó phân biệt được thật hay giả, chất lượng thế nào” - ông Lê Văn Lâm (ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) cho rằng, nhiều khi may, rủi bởi ra đại lý là được tư vấn loại phân bón, thuốc BVTV để sử dụng cho cây trồng. Lỡ mua phải phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng thì tốn tiền mà hiệu quả không cao; còn mua phải phân bón, thuốc BVTV giả thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, cây trồng, có khi thiệt hại mất trắng. Nếu nghi ngờ hư hại do phân bón, thuốc BVTV giả thì cũng làm sao mà chứng minh?

Trong cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội vào đầu tháng 10-2021, một số cử tri các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Đức Huệ bày tỏ sự lo lắng về chất lượng phân bón, thuốc BVTV. Qua đó, nông dân kiến nghị các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, sản xuất mặt hàng này.

Theo nông dân, tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, cơ cấu cây trồng khá đa dạng nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV mọc lên rất nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng cao, làm cho nông dân thêm khó khăn. Trong lúc giá cả tăng như thế thì nguy cơ sản xuất vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng để trục lợi rất dễ xảy ra.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Chí Thiện, công tác thanh, kiểm tra hoạt động buôn bán, sản xuất phân bón, thuốc BVTV để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm luôn được quan tâm thực hiện. Nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội sẽ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ, xử lý hình sự.

Để nâng cao hiệu quả, Thanh tra ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp các lực lượng chức năng theo dõi, nắm tình hình từ “gốc”. Điều đó có nghĩa là giám sát, kiểm tra chặt chẽ tại các cơ sở hoạt động sản xuất, gia công, đóng gói phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Thanh tra Sở NN&PTNT công khai đường dây nóng tiếp nhận các thông tin, phản ánh liên quan đến chất lượng vật tư nông nghiệp.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2020 đã thanh tra 402 cơ sở sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng và thu 132 mẫu (87 phân bón, 23 thuốc BVTV, 22 mẫu lúa giống). Kết quả, có 16 mẫu phân bón, 2 mẫu thuốc BVTV, 8 mẫu lúa giống không đạt chất lượng. Đối với lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, đã thanh tra tại 98 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu 74 mẫu để kiểm tra chất lượng hàng hóa và phát hiện 7 mẫu không đạt chất lượng.

Riêng 9 tháng năm 2021, Thanh tra Sở NN&PTNT thanh tra 142 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, lấy 28 mẫu phân bón và 14 mẫu thuốc BVTV để phân tích, kiểm tra chất lượng. Kết quả, phát hiện 5 mẫu phân bón và 4 mẫu thuốc BVTV không đạt chất lượng.

Qua kết quả thanh tra, lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 18 trường hợp, xử phạt số tiền 308 triệu đồng. Trong đó, vi phạm liên quan đến giống cây trồng, có 1 trường hợp; thuốc BVTV là 9 trường hợp; riêng phân bón, xử phạt 8 trường hợp, với số tiền hơn 253 triệu đồng (trong đó, tham mưu UBND tỉnh xử phạt 1 trường hợp với số tiền 130 triệu đồng).

Các vi phạm chủ yếu là nhãn hiệu ghi không đúng bản chất, không đúng sự thật, không đúng với giấy chứng nhận đăng ký của mặt hàng; hàng không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Cơ sở sản xuất, kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện,.../.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết