Đóng góp ý kiến về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp tư nhân rất cần môi trường bình đẳng để có động lực đóng góp cho đất nước.
Với lực lượng hùng hậu, phủ khắp mọi miền đất nước, hiện khối doanh nghiệp tư nhân đang được xem là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây. Hàng năm khu vực này góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo…
Theo thống kê, hiện tại có 500.000 doanh nghiệp tư nhân, thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp trên 40% GDP mỗi năm.
Kinh tế tư nhân - động lực để phát triển đất nước. (Ảnh minh họa: Internet).
Ông Huỳnh Nghĩa Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thép Vina One, tỉnh Long An cho rằng, coi kinh tế tư nhân là động lực để phát triển kinh tế trong Dự thảo văn kiện thể hiện Đảng và Nhà nước ghi nhận những đóng góp của thành phần kinh tế này vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.
“Các doanh nghiệp tư nhân trong nước trở nên năng động, sáng tạo, cùng nhau đoàn kết với sự dẫn dắt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước. Do đó doanh nghiệp tạo ra được những sản phẩm tốt, phục vụ cho việc tăng trưởng kinh tế cũng như xuất khẩu nhiều mặt hàng sang các nước trên thế giới,” ông Thiện nói.
Đồng tình với nhận định của Dự thảo văn kiện khi coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho rằng, để phát triển kinh tế tư nhân, ngoài sự nỗ lực và sự tự cường của các doanh nghiệp thì còn một động lực nữa, đó là các cơ chế chính sách của nhà nước.
Theo ông Vương, các chính sách phải phù hợp để tạo sức bật cho khối tư nhân hay tạo nên niềm tin cho những thanh niên, sinh viên, những người chưa phải là doanh nhân đang có tâm thế thành lập doanh nghiệp để đồng hành phát triển cùng công cuộc dựng xây nước nhà.
Mặc dù chiếm số lượng đông đảo, song các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, sản phẩm chất lượng chưa cao, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế… Bên cạnh đó, một số chính sách khi áp dụng xa rời thực tế, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, thậm chí còn kìm hãm doanh nghiệp, vẫn tồn tại tình trạng đối xử thiếu công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, những tồn tại này có thể dẫn đến sự phá sản của nhiều doanh nghiệp đề nghị: Văn kiện Đại hội 12 cần xác định rõ tầm quan trọng của các chủ trương, chính sách đối với doanh nghiệp, tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Khi xây dựng chính sách không chỉ bó hẹp trong phạm vi một Bộ, ngành nào và cần có sự tham gia của các tổ chức Hiệp hội liên quan và doanh nghiệp, có như vậy, chính sách mới sát thực, đi vào cuộc sống, tránh tình trạng chính sách để phục vụ cho một nhóm đối tượng.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc Đảng coi trọng kinh tế tư nhân là động lực cho sự nghiệp phát triển đất nước là hoàn toàn đúng đắn. Để tạo sức bật cho khu vực kinh tế này cất cánh, Đảng và Nhà nước cần tạo dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử.
Doanh nghiệp là lực lượng chủ công trong sự phát triển đất nước. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trẻ bằng các biện pháp như: tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, tiếp cận nguồn vốn…
Tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân cũng cần phát huy tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh của chính bản thân mình./.
Nguyễn Hằng/VOV - Trung tâm Tin