Tiếng Việt | English

20/06/2021 - 10:24

Làm thế nào để tránh “lệ thuộc” trong tình yêu?

Sự phụ thuộc quá mức trong tình yêu không chỉ khiến bản thân mệt mỏi mà còn tạo áp lực lên mối quan hệ giữa hai bạn.

Khi yêu, chúng ta luôn kỳ vọng đối phương có thể trở thành chỗ dựa tinh thần, quan tâm và lắng nghe tất cả phiền muộn. Điều này hoàn toàn chính đáng cho đến khi bạn trở nên lệ thuộc cảm xúc vào đối phương và đặt ra những đòi hỏi quá mức. Ban đầu, nửa kia có thể không để tâm, nhưng sẽ đến một lúc họ cảm thấy khó chịu và bị đeo bám. Ghi nhớ những nguyên tắc dưới đây để trở nên “độc lập” hơn trong tình yêu:

1. Dành thời gian cho bạn bè và những người thân yêu

Việc phân bổ thời gian cho những người xung quanh sẽ giúp bạn phân bổ cảm xúc của chính mình. Đơn giản chỉ là một bữa ăn tối hoặc một buổi dạo chơi nói chuyện. Càng có nhiều mối bận tâm, bạn càng ít thời gian để nghĩ về chuyện tình cảm.

Hãy nhớ rằng người yêu bạn không phải là lựa chọn duy nhất. Bất cứ khi nào cảm thấy phiền muộn, bạn có thể chia sẻ và tìm thấy chỗ dựa tinh thần ở tất cả những người thân yêu xung quanh bạn.

2. Học thêm một số kỹ năng mới

Điều này không chỉ giúp phát triển bản thân mà còn hạn chế thời gian bị phụ thuộc vào tình cảm. Trên thực tế, khi bạn học một thứ gì đó mới, bạn có xu hướng bận rộn và thoát khỏi tình trạng bế tắc, luẩn quẩn trong một vấn đề nào đó. Bạn sẽ tìm thấy một mối quan tâm khác giúp bản thân giải toả năng lượng và ngày càng độc lập về mặt cảm xúc.

3. Tránh liên lạc với đối phương mọi lúc, mọi nơi

Nếu bạn có thói quen gọi điện hoặc nhắn tin liên tục cho nửa kia, thì hãy ngừng ngay. Vì đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự lệ thuộc cảm xúc. Chúng ta đều hiểu rằng nhu cầu nói chuyện và chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân là hoàn toàn chính đáng.

Bạn có thể cảm thấy muốn ngay lập tức chia sẻ tất cả những gì mình cảm thấy, hoặc nhìn thấy. Tuy nhiên hành động này cũng dễ khiến bạn cảm thấy thất vọng nếu không nhận được sự phản hồi lập tức từ đối phương.

4. Viết ra những gì mình nghĩ

Một cách rất tốt để kiểm soát cảm xúc là hãy viết chúng ra. Có những lúc bạn cảm thấy bị cảm xúc lấn át. Để lấy lại sự bình tĩnh trong tình huống này, hãy cố gắng viết ra những gì bạn cảm thấy.

Không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội ở cạnh nửa kia để được chia sẻ cảm xúc. Và điều đó cũng không có nghĩa là bạn trở nên tuyệt vọng và không thể giải quyết vấn đề của mình. Viết cảm xúc ra giấy có thể trở thành phương pháp để bạn độc lập kiểm soát tốt cảm xúc của chính mình mà không cần đến bất kỳ “điểm tựa” nào khác.

5. Quan tâm đến sở thích cá nhân

Trong một số trường hợp, yêu đương có thể khiến một vài người quên đi những sở thích từng có của bản thân. Nhưng sở thích có thể động lực và là nguồn hạnh phúc tích cực của bạn. Thậm chí nếu bạn không nghĩ ra trước đây mình từng hứng thú với điều gì, bạn vẫn có thể tìm kiếm và phát triển một sở thích mới ngay bây giờ. Bạn có thể học vẽ, nấu ăn hoặc chơi một môn thể thao nào đó. Bạn cũng có thể viết blog và gia nhập cộng đồng những người có cùng sở thích. Bằng cách này, bạn sẽ kéo bản thân thoát khỏi “hố đen” cảm xúc và trở nên vui vẻ, tích cực hơn

6. Ngồi thiền, đọc sách

Một số hoạt động được nghiên cứu là có khả năng cải thiện cảm xúc. Đó là thiền và đọc sách. Đây là những cách giúp bạn giữ cho mình sự bình tĩnh và kiên nhân, ngay cả trong những tình huống khó khăn. Quá trình ngồi thiền đem đến nguồn năng lượng tích cực cho tâm trí. Tương tự, việc đọc sách cũng khiến suy nghĩ của bạn được khai mở theo những cách khác nhau.

7. Đánh giá cao nỗ lực của bạn

Quả thực, để trở nên độc lập về mặt cảm xúc là điều không hề dễ với một số người. Chính vì thế, bạn hoàn toàn có thể tự hào với từng nỗ lực nhỏ của bản thân. Bạn đã cố gắng hết sức để không làm phiền quá mức khi đối phương đang ở công ty, hay đòi hỏi họ phải lắng nghe khi chính họ cũng bận rộn và có vấn đề riêng. Bạn có thể tự thưởng cho mình một cốc trà sữa, một cái kem ngon. Và bạn thấy không, bạn đã vừa tự tạo ra niềm vui cho chính mình.

Chúng ta không thể kỳ vọng một ai đó sẽ luôn xuất hiện đúng lúc và giải quyết mọi vấn đề của mình. Mỗi người đều có cuộc sống và vấn đề của riêng họ. Xét cho cùng, “điểm tựa” vững vàng nhất chính là bản thân./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích