Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Lắng lòng giữa Ngã ba Đồng Lộc

Giữa cái nóng gần 40 độ ở miền Trung, đoàn người tiếp tục hành trình về thăm quê Bác. Trong lộ trình, đoàn đến thăm ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi từng hứng chịu trung bình 800 trái pháo, bom các loại mỗi ngày. Ở đó, có hàng vạn nam nữ thanh niên xung phong anh dũng vá đường, gỡ bom để nối liền tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Thắp nhang tưởng niệm tại nhà bia

Ngã ba Đồng Lộc là nơi hàng ngàn nam nữ thanh niên đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong đó, nổi bật là 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ vá đường tại khu vực này. Người trẻ nhất 17 tuổi, người lớn nhất 24 tuổi, tất cả còn chưa kịp ăn bữa cơm chiều, nói gì đến nấu được trái bồ kết để gội đầu. Họ ra đi!

Thắp nén nhang cho 10 cô gái thanh niên xung phong

Cả hội trường dường như lắng đọng khi mọi người xem các thước phim, hình ảnh về ngã ba Đồng Lộc và 10 cô gái thanh niên xung phong. Giữa tiếng gầm rú của bom đạn, tiếng thuyết minh nhẹ nhàng của cô hướng dẫn viên, người cựu binh lặng lẽ đưa tay lên chậm 2 hàng nước mắt. Ông Hồ Văn Xã (ấp Bình Thới 2, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) năm nay gần 80, cả một thời tuổi trẻ đã dành cho chiến trường nên ông hiểu những mất mát, đau thương của chiến tranh. “Được nghe và xem những hình ảnh, những thước phim tự nhiên thấy đau từ trong ruột đau ra cháu à. Vì đó không phải là tuyến đường của riêng tỉnh Hà Tĩnh, đó là tuyến đường chi viện cho cả nước”, ông vừa nói vừa vỗ vai tôi như để tìm một người đồng cảm. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà (Trường Mầm non Họa Mi, thị trấn Bến Lức) khẽ lau 2 hàng nước mắt khi xem những thước phim về ngã ba Đồng Lộc. Nước mắt rơi vì xúc động, vì khâm phục những nữ thanh niên xung phong anh hùng, cô nói: “Họ còn quá trẻ nhưng lại làm được những điều phi thường!”.

Cái nắng rát da miền Trung không làm cho đoàn người viếng bia, mộ những thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc chùn bước. Dòng người lặng lẽ thắp những nén nhang lên phần mộ các chị. Và giữa cái nóng đến “ngặt người” những người lính đang khoát trên mình bộ quân phục, cảnh phục đứng nghiêm trang, chào theo điều lệnh trước mỗi nấm mồ các nữ anh hùng. Một hành động nhỏ thôi, để tỏ lòng biết ơn, để thấy được nét đẹp và sự tiếp nối truyền thống cách mạng của những người khoác trên mình sắc phục quân đội. Bác nông dân Trần Văn Thơ (ấp 7 mét, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) đứng bên gốc cây vệ đường nhìn vào làn khói hương nghi ngút bên hàng bia mộ, bác nói: “Đi để biết, để về nhà ráng làm thêm nhiều điều có ích”.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết