Tiếng Việt | English

03/05/2017 - 09:15

Lao động phải an toàn

Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không chỉ bảo vệ uy tín, thương hiệu, thúc đẩy sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp mà còn bảo vệ sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc,... của người lao động (LĐ).


Tai nạn lao động do ngã từ trên cao ở các công trình xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao

Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động

Ý thức được tầm quan trọng trong thực hiện tốt ATVSLĐ là vừa bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc,... cho người LĐ, đồng thời cũng là biện pháp giữ gìn, nâng cao uy tín và sự phát triển của doanh nghiệp nên những năm qua, công tác này được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn những nơi chưa được người sử dụng LĐ, người LĐ quan tâm thực hiện tốt.

Năm 2016, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An phối hợp các sở, ngành kiểm tra, thanh tra tại 82 doanh nghiệp về lĩnh vực LĐ. Trong đó, phát hiện nhiều sai sót, hạn chế và có 369 kiến nghị khắc phục; trong đó, ra 15 quyết định xử phạt.

Theo thanh tra viên Nguyễn Quốc Tuấn, các vi phạm chủ yếu tập trung nhiều ở doanh nghiệp tư nhân. Các vi phạm chủ yếu: Người sử dụng LĐ chưa thực hiện quy định, nội quy ATVSLĐ; chưa tổ chức huấn luyện hoặc huấn luyện sơ sài các biện pháp ATVSLĐ đối với người LĐ; chưa xây dựng nội quy, quy trình sử dụng máy và thiết bị; chưa xây dựng kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ và cải thiện điều kiện LĐ; không trang bị hoặc trang bị thiếu các phương tiện bảo hộ LĐ cho người LĐ; máy móc, thiết bị không bảo đảm và không được kiểm tra, kiểm định theo định kỳ; người LĐ không được khám sức khỏe định kỳ, tăng ca quá quy định. Trong khi đó, người LĐ vẫn còn chủ quan, dẫn đến các vi phạm: Không chấp hành những quy định khi làm việc, quy trình khi điều khiển máy móc; không sử dụng bảo hộ LĐ dù được trang bị;...

Cũng từ những vi phạm trong chấp hành ATVSLĐ nên số vụ tai nạn LĐ xảy ra vẫn khá nhiều. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 275 vụ tai nạn LĐ làm chết 10 người. Ngoài ra, từ đầu năm 2017 đến nay, tiếp tục xảy ra 2 vụ tai nạn LĐ làm 2 người chết. Đa số các vụ tai nạn chết người chủ yếu liên quan đến điện giật, ngã từ trên cao (3 người chết vì điện giật; 3 người chết do ngã giàn giáo ở công trình). Những vụ tai nạn LĐ chết người được ngành chức năng vào cuộc kịp thời; qua đó, người sử dụng LĐ thực hiện bồi thường, trợ cấp cho nạn nhân cũng như thân nhân của họ theo đúng quy định.

Theo Phòng Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, con số 275 vụ tai nạn LĐ trong năm 2016 chỉ là bề nổi, bởi thực tế còn cao hơn. Tuy nhiên, do doanh nghiệp, đơn vị giấu kín, không báo cáo cho ngành chức năng mà “lặng lẽ” tự thỏa thuận giải quyết với người LĐ.

Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Mai Thành Khải cho biết: “So với năm 2015 thì năm 2016 giảm 10 người chết do tai nạn LĐ. Tuy nhiên, những vi phạm chủ yếu như nêu trên cũng cảnh báo rằng, tai nạn LĐ, nhất là tai nạn chết người vẫn luôn tiềm ẩn và xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, về phía người sử dụng LĐ và người LĐ không được chủ quan mà phải thường xuyên thực hiện, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn LĐ bởi chỉ cần lơ là hoặc chủ quan là có thể xảy ra tai nạn, với bất kỳ ai. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật an toàn LĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp nhằm kịp thời yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm những sai phạm”.


Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động và uy tín, sự phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp

Những nỗi đau

Cũng như các tai nạn khác, tai nạn LĐ là nỗi đau, mất mát lớn. Đó không chỉ là nỗi đau về mặt thể xác do thương tật hay dẫn đến cái chết thương tâm cho người LĐ mà còn để lại những khó khăn, đau khổ kéo dài, âm ỉ cho những người thân của họ. Vợ trẻ mất chồng, con thơ mất cha, cha mẹ mất con, gia đình hiu quạnh, nợ nần, túng thiếu,... là những gì chúng tôi đã thấy, đã gặp ở những gia đình có người bị tai nạn LĐ. Một điều buồn là có những vụ tai nạn LĐ xảy ra rất đáng tiếc, nguyên nhân chỉ là do sự chủ quan, mất cảnh giác của người sử dụng LĐ lẫn người LĐ.

Hơn một năm trôi qua nhưng chúng tôi vẫn nhớ rất rõ vụ công nhân N.A.T (SN 1982), ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, bị điện giật tử vong tại chỗ khi đang sử dụng máy bắn bêtông để thi công một công trình xây dựng ở phường 2, TP.Tân An vào ngày 29/12/2015. Địa điểm xảy ra tai nạn là một hố đất đang được đào lên để làm móng, xung quanh có nước; vậy mà hệ thống dây điện cắm với máy bắn bêtông rất sơ sài, nằm ở giữa nền đất cát, địa điểm anh T. làm việc bị khuất tầm nhìn nhưng anh làm việc chỉ có một mình,... Giá như an toàn LĐ được thực hiện tốt (cả người bị nạn và đơn vị thi công) thì có lẽ không xảy ra tai nạn đáng tiếc này.

Gần đây, có lần đến thăm gia đình anh N.A.T, chúng tôi như lặng người khi chứng kiến người mẹ 70 tuổi của anh đứng khóc nức nở trước di ảnh của anh. Đứa con trai của anh T. mới 10 tuổi vĩnh viễn mất đi người cha là một thiệt thòi quá lớn, không gì có thể bù đắp được.

Nhiều người dân ở gần cầu Đúc Tân An (TP.Tân An) vẫn không quên được vụ tai nạn LĐ làm công nhân Bùi Văn Toàn (SN 1988), quê thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, tử vong trong lúc tháo dỡ cầu Đúc cũ vào sáng ngày 22/12/2015. Gần 40 tiếng đồng hồ sau, thi thể anh Toàn mới được tìm thấy. Là người có mặt tại hiện trường ngay sau vụ việc xảy ra, chúng tôi nhận thấy, nhiều bất cập trong vấn đề thực hiện an toàn LĐ, nhất là phương tiện bảo hộ trang bị rất sơ sài. Tháo dỡ khối bêtông cầu, bên dưới là dòng nước chảy xiết nhưng anh Toàn chỉ đu trên một dây thừng buộc vào thành cầu nên dẫn đến trượt tay, rớt xuống sông tử vong.

Mấy ngày tìm thi thể nạn nhân, hình ảnh cha, mẹ nạn nhân bỏ ăn, ngồi khóc nức nở, ngất lên, ngất xuống làm thắt lòng những người chứng kiến. Gia đình nạn nhân rất nghèo, thu nhập hàng ngày chỉ trông vào làm mướn. Gia đình có 5 anh em, trong đó, anh Toàn là con trai lớn và là LĐ chính của gia đình. Thu nhập hàng tháng, anh gửi về quê nuôi con nhỏ 2 tuổi và lo cho 3 đứa em nhỏ học hành. Từ hoàn cảnh đó mới thấy, cái chết của anh Toàn không chỉ là nỗi đau mất người thân mà sau đó là cảnh khó khăn của một gia đình, thương nhất là đứa trẻ phải mất cha khi vừa bập bẹ tiếng nói và tương lai của cháu sẽ ra sao?


Ngành chức năng thăm hỏi nạn nhân bị tai nạn lao động-anh Vũ Huy Tưởng, ngụ phường 5,TP.Tân An

Cũng là nạn nhân của tai nạn LĐ nhưng anh Vũ Huy Tưởng (SN 1971), ngụ khu phố Bình Phú, phường 5, TP.Tân An, lại may mắn hơn khi cơ thể chỉ mất một cánh tay trái. Tai nạn xảy ra cách đây hơn 10 năm nhưng đến giờ nhắc lại, anh Tưởng vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn. Lúc đó, anh làm việc cho một công ty trong lĩnh vực giao thông. Thu nhập của anh là nguồn sống chính của cả gia đình. Tuy nhiên, trong một lần làm việc, anh chủ quan nên bị máy trộn bêtông cuốn vào rồi nghiền nát cả cánh tay trái.

“Khi tỉnh lại ở bệnh viện, tôi thật sự suy sụp vì mất đi cánh tay trong khi gia đình đang rất khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, công ty nơi tôi làm việc rất trách nhiệm, lo hết chi phí trong thời gian tôi nằm viện. Sau khi tôi ra viện, công ty còn nhận tôi vào làm bảo vệ. Từ số tiền lương bảo vệ, cộng với thu nhập từ việc chăn nuôi của vợ, chúng tôi nuôi 2 con, hiện cháu lớn đang học năm hai đại học; gia đình mới đây cũng xây dựng được căn nhà cấp 4 nho nhỏ để ổn định cuộc sống” - anh Tưởng kể.

Nói về vụ tai nạn LĐ làm mất đi một phần thân thể, anh Tưởng cho biết: “Giá như ngày ấy, tôi làm việc cẩn thận hơn thì có lẽ tay tôi không bị máy cuốn. Nếu tai nạn không xảy ra, có lẽ gia đình tôi không phải quá chật vật, khó khăn như những năm qua”.

UBND tỉnh phát động Tháng hành động ATVSLĐ lần 1/2017 trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 01/5 đến 30/5/2017 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp”.

Theo đó, trong tháng hành động này, các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường, đẩy mạnh các công tác, hoạt động nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật ATVSLĐ, thực thi hiệu quả Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường LĐ, hạn chế tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp.

Dịp này, các ngành chức năng, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra nhiều đơn vị, doanh nghiệp, công trình về pháp luật ATVSLĐ./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết