Long An là cửa ngõ nối liền miền Đông với Tây Nam bộ, tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế, đô thị lớn nhất và đông dân nhất cả nước. Tỉnh có vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn với những cánh đồng bất tận, khu sinh vật cảnh ngập nước, sinh động vật phong phú.
Ngoài ra, Long An còn là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử, có nhiều danh lam, lễ hội nổi tiếng, sản vật phong phú,... Đó chính là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển du lịch.
Biết được thế mạnh của mình, nhiều năm qua, tỉnh quan tâm quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch, đầu tư phát triển, quảng bá ngành “công nghiệp không khói” nhằm góp phần phát triển KT-XH. Tuy nhiên, câu hỏi “Đến Long An xem gì, chơi gì, mua gì,...” vẫn là bài toán chưa có lời giải từ các ngành chức năng.
Long An vừa tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư với tinh thần “Hợp tác - Phát triển bền vững”. Hội nghị này cũng mở ra “cánh cửa” trong nhận thức, cơ hội về phát triển du lịch. Chúng ta không thể tự mình làm du lịch, không thể tìm dấu ấn đặc thù trong tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện, tiềm năng, thế mạnh gần giống nhau. Mặt khác, chúng ta cũng chưa đủ nguồn lực để làm một “sân chơi riêng” như những địa phương du lịch nổi tiếng. Long An chỉ có thể liên kết vùng, trở thành một điểm nhấn trong bản đồ du lịch vùng, miền.
Hiện nay, trong tỉnh đang hình thành một số tuyến du lịch liên kết như: Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng) với Vườn Quốc gia Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp; địa bàn Tân An và phụ cận với TP.HCM; địa bàn xã Tân Lập (Mộc Hóa), Cửa khẩu Bình Hiệp (Kiến Tường) với tỉnh Svay Rieng của Campuchia; địa bàn huyện Đức Hòa và phụ cận với Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi, TP.HCM,...
Long An không có thắng cảnh nhưng có danh lam, lễ hội, sông nước, có thể phát triển loại hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh, Về nguồn,... Điều quan trọng là phải đưa ý tưởng liên kết vùng trong du lịch vào hiện thực đời sống, xây dựng chuỗi liên kết trong đầu tư, liên kết, quảng bá, xúc tiến, hợp tác và khai thác du lịch từ cơ sở vật chất, con người đến sản phẩm du lịch, ẩm thực, văn hóa, dịch vụ phục vụ du lịch,... Trong đó, chính sách, cơ chế thu hút đầu tư du lịch và nhân tố con người là khâu đột phá. Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, Long An sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi tham quan, du lịch vùng đất chín rồng./.
Kim Quy