Tiếng Việt | English

05/08/2021 - 16:36

Long An đã hỗ trợ gần 39.000 lao động tự do khó khăn do dịch Covid-19

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, tính đến nay, tỉnh Long An đã triển khai hỗ trợ gần 150 tỉ đồng.

Trao tiền hỗ trợ cho người thuộc diện được thụ hưởng

Những ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do).

Để triển khai thực hiện đồng bộ, bảo đảm theo quy định, tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt rõ Nghị quyết 68. Qua đó, hướng dẫn các địa phương khẩn trương rà soát đối tượng cần hỗ trợ. Để kịp thời, nhanh chóng tỉnh vừa đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ, vừa chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát đối tượng cần hỗ trợ.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: "Ngay sau khi tỉnh có kế hoạch và quyết định triển khai Nghị quyết 68, các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện".

Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp phối hợp Trưởng ấp nhanh chóng lập danh sách và cấp phát tiền hỗ trợ cho người thuộc diện được thụ hưởng. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ, chia thành nhiều đoàn khác nhau đi rà soát và trao tiền hỗ trợ kịp thời. 

Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp, xét duyệt và tiến hành hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác.

Tính đến nay, tỉnh Long An đã triển khai hỗ trợ cho các nhóm đối tượng với tổng kinh phí gần 150 tỉ đồng. Cụ thể, hỗ trợ cho gần 39.000 người lao động tự do với tổng số tiền 35,8 tỉ đồng; trong đó có hơn 10.500 người bán vé số lưu động được hỗ trợ gần 7,9 tỉ đồng.

Các đối tượng lao động tự do khác, tỉnh đã hỗ trợ cho gần 29.000 người, với số tiền hơn 28 tỉ đồng. Hiện các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục rà soát, tổng hợp, xét duyệt và tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do.

Bà Lê Thị Vân, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức chia sẻ, bao năm nay sinh sống bằng ghề bán vé số. Tuy nhiên, thời gian qua, thực hiện quy định giãn cách phòng, chống dịch, vé số tạm dừng phát hành nên bà ở nhà và không có thu nhập.

Vì vậy, khi nhận được tiền trợ cấp 750.000 đồng/người, bà mua ngay một số thực phẩm thiết yếu như gạo, trứng để ăn dần trong những ngày xã hội giãn cách. 

Bà Nguyễn Thị Tuyền, ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc cũng là một trong nhiều trường hợp nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 trong đợt này. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến gia đình bà lại càng thêm khó khăn vì không có việc làm, mất thu nhập. Chồng bà bình thường làm hồ nhưng dịch bùng phát cũng phải ở nhà.

"Được Nhà nước hỗ trợ 750.000 đồng, tôi liền đi mua ngay một ít gạo và ít thuốc vì vợ, chồng cũng hay bệnh", bà Tuyền cho hay.

Đã có hơn 10.500 người mưu sinh bán vé số ảnh hưởng dịch bệnh được hỗ trợ.  Ảnh tư liệu

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh giảm mức đóng cho 5.237 tổ chức, cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; số lao động được giảm mức đóng là hơn 296.000 người, tương ứng với số tiền giảm gần 105 tỉ đồng.

Hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội đang xác minh nguồn chi hoạt động thường xuyên của gần 100 đơn vị sự nghiệp công lập để xem xét đối tượng hỗ trợ.

Đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) đã hỗ trợ tiền ăn cho gần 5.350 người, số tiền gần 9 tỉ đồng. Hỗ trợ cho 40 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch số tiền gần 150 triệu đồng./.

Đức

Chia sẻ bài viết