Tiếng Việt | English

19/07/2021 - 08:15

Nghị quyết 68: Ngoài khoản hỗ trợ, còn là sự động viên, chia sẻ

Đến nay, Long An cơ bản hoàn thành việc chi hỗ trợ cho nhóm lao động (LĐ) tự do theo tinh thần Nghị quyết (NQ) số 68 của Chính phủ và đang triển khai cho các nhóm đối tượng còn lại. Đạt kết quả này là nhờ các cấp, các ngành thực hiện bằng mệnh lệnh của trái tim, góp phần chia sẻ, động viên người LĐ nghèo vượt qua khó khăn của đại dịch.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được trao tiền hỗ trợ cho nhóm lao động tự do

Nhanh chóng, kịp thời, chính xác

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường LĐ, làm hàng trăm ngàn LĐ bị mất việc, tạm nghỉ; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh buộc phải ngừng hoạt động. Trước tình hình này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trình Chính phủ ban hành NQ số 68/NQ-CP, ngày 07/01/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người LĐ, người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ngay sau khi NQ68 và Quyết định số 23 có hiệu lực, Long An nhanh chóng ban hành Kế hoạch 2199/KH-UBND về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 6652/QĐ-UBND về việc hỗ trợ người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ (gọi tắt LĐ tự do) và tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai các kế hoạch, quyết định.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Hồng Mai nhấn mạnh: “Người dân đang khó khăn, từng ngày mong chờ nhận hỗ trợ theo tinh thần của NQ68, nhất là đối với nhóm LĐ tự do. Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của NQ68 là gói hỗ trợ chưa có trong tiền lệ, mang tính nhân văn sâu sắc, do đó, các cấp, các ngành phải thực hiện ngay bằng mệnh lệnh của trái tim, triển khai chậm là có lỗi, trục lợi chính sách là có tội với dân. Trước hết, các địa phương phải chi tiền hỗ trợ ngay cho nhóm LĐ tự do và phải hoàn thành trước ngày 20/7/2021, còn các nhóm đối tượng khác sẽ hoàn thành cơ bản trong tháng 7. Riêng đối tượng bán vé số phải hoàn thành trước ngày 17/7/2021”.

Mệnh lệnh từ trái tim

Đối tượng hỗ trợ người LĐ tự do phải làm một trong các loại công việc như bán hàng rong, buôn bán nhỏ, lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; bán lẻ vé số lưu động và một số công việc đặc thù khác thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.

Điều kiện hỗ trợ cho nhóm LĐ tự do khi người LĐ tự do đủ các điều kiện: Bị mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện; đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú. Mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày nhân với số ngày mất việc. Thời gian triển khai hỗ trợ từ ngày 01-5 đến hết ngày 31/12/2021.

Dù ngày hay đêm, thứ bảy hay chủ nhật, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vẫn làm việc để lập danh sách, hồ sơ và thủ tục chi hỗ trợ cho các đối tượng LĐ tự do theo tinh thần của NQ68. Không riêng lãnh đạo các sở, ngành, trưởng các ấp, khu phố, cán bộ LĐ-TB&XH cấp xã cũng không ngại vất vả, sẵn sàng “đi từng nhà, rà từng đối tượng”, lập danh sách được hỗ trợ với quyết tâm “không để sót bất cứ đối tượng nào”.

Sau khi có quyết định hỗ trợ của UBND cấp huyện, trưởng ấp, khu phố, cán bộ ngành LĐ-TB&XH một lần nữa đi đến từng nhà trao tiền hỗ trợ. Các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa và TP.Tân An có nhóm đối tượng LĐ tự do rất nhiều; trong khi đó, nguồn nhân lực của các địa phương này đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch, do đó, các trưởng ấp, khu phố và cán bộ ngành LĐ-TB&XH phải làm việc gấp 2, 3 lần so với những địa phương khác.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cần Giuộc - Trần Thị Mai Xuân cho biết: “Qua rà soát, huyện có trên 3.000 LĐ tự do, trong đó có trên 760 người bán vé số. Với số đối tượng lớn và thời gian chi hỗ trợ gấp nên các trưởng ấp, khu phố, cán bộ ngành LĐ-TB&XH phải làm việc xuyên suốt nhiều ngày liền, không nghỉ trưa và làm việc đến tận 21 giờ. Thấy ở cơ sở vất vả quá, tôi chỉ biết động viên anh em cố gắng để người LĐ nghèo bớt khổ. Hầu hết anh chị em trong các tổ chi tiền đều làm việc nhiệt tình, bằng tất cả trái tim”.

Hiện nay, tỉnh cơ bản hoàn thành việc chi tiền hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 cho nhóm đối tượng lao động tự do

“Cứu cánh” cho người lao động nghèo

Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 45.500 người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần NQ68 của Chính phủ, trong đó có khoảng 20.000 LĐ tự do. Đây là số đối tượng không hề nhỏ, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh cơ bản hoàn thành chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng LĐ tự do. Đặc biệt, Long An là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước cơ bản hoàn thành chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng LĐ tự do. Kết quả này thật đáng tự hào, chính sách kịp thời đến với người dân.

Chính sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành làm cho nhiều đối tượng LĐ tự do khi nhận được tiền hỗ trợ mừng rơi nước mắt vì họ biết rằng có được số tiền hỗ trợ, gia đình sẽ bớt khó khăn, không còn phải thấp thỏm lo tiền mua lương thực trong thời gian mất việc. Ông Võ Trung Ương, ngụ xã Long Khê, huyện Cần Đước, bộc bạch: “Thường ngày, tôi đi bộ bán vé số để có tiền nuôi mẹ già hơn 80 tuổi. Bản thân bị bệnh bẩm sinh, 2 chân không phát triển nên mỗi ngày tôi chỉ đi bộ bán quanh trong xóm gần 100 tờ vé số, lời được 100.000 đồng. Từ khi Nhà nước cho tạm ngưng bán vé số, tôi mất luôn nguồn thu nhập chính, không có tiền mua gạo, thuốc men cho mẹ. Nhận được tiền hỗ trợ 750.000 đồng, tôi mừng lắm! Có được số tiền này, tôi sẽ mua thuốc cho mẹ, mua gạo và trứng để dành ăn. Cảm ơn các cấp, các ngành luôn quan tâm, động viên người LĐ chúng tôi kịp thời!”.

Có đến 10 nhân khẩu sống nhờ vào chiếc xe bán bún của bà Nguyễn Thị Minh Châu, ngụ phường 6, TP.Tân An và công việc bốc vác của chồng bà, vì thế khi dịch Covid-19 bùng phát khiến gia đình bà phải lao đao vì lo miếng ăn hàng ngày. Bà Châu nghẹn ngào: “Giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp nên vợ chồng tôi ở nhà, có nhiêu ăn nhiêu chứ đâu làm được gì ra tiền. Được Nhà nước hỗ trợ 750.000 đồng, tôi mua gạo để dành ăn trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh”.

Bằng tinh thần trách nhiệm, từ mệnh lệnh của trái tim, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn đồng tâm hiệp lực thực hiện tốt việc chi tiền hỗ trợ nhóm LĐ tự do một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, góp phần động viên, chia sẻ cùng người LĐ nghèo vượt qua khó khăn của đại dịch./.

Xã Tân Long có 97 người thuộc nhóm đối tượng LĐ tự do. Ngày 16/7/2021, xã chi hoàn thành cho các nhóm đối tượng này. Khi nhận tiền hỗ trợ, người nào cũng mừng, ai cũng ríu rít nói lời cảm ơn, bởi với họ, số tiền 750.000 đồng lúc này giống như 7.500.000 đồng lúc bình thường”.

Anh Lê Văn Hiếu (Cán bộ LĐ-TB&XH xã Tân Long, huyện Thủ Thừa)

Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND TP.Tân An, UBND phường 6 cho cán bộ ngành LĐ-TB&XH, các trưởng ấp, khu phố tiến hành rà soát nhóm đối tượng LĐ tự do ngay; đồng thời, thành lập hội đồng xét duyệt cho đúng đối tượng, tránh tình trạng sót đối tượng trong thực hiện chính sách hỗ trợ theo tinh thần NQ68. Sau khi danh sách được thông qua, UBND phường còn vận động thêm quà, vừa trao gói hỗ trợ, vừa trao quà cho nhóm đối tượng LĐ tự do. Đến nay, phường 6 hoàn thành chi cho nhóm đối tượng LĐ tự do”.

Chủ tịch UBND phường 6, TP.Tân An - Lương Công Đức

Nhận được tiền hỗ trợ lúc này, tôi mừng lắm! Có thể đối với nhiều người, số tiền 750.000 đồng không lớn nhưng đối với 2 mẹ con tôi rất ý nghĩa, chỉ có người nghèo mới hiểu. Cảm ơn Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành tình cảm đặc biệt cho người nghèo chúng tôi”.

Bà Nguyễn Thị Thía, ngụ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết