Happyland xứ sở hạnh phúc
Tập trung đầu tư 4 địa bàn trọng điểm
Để đạt mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, hệ thống kết cấu hạ tầng phải được mở rộng, nâng cấp đồng bộ cho từng điểm du lịch và bảo đảm kết nối dịch vụ du lịch trong vùng và liên vùng. Trong đó, đặc biệt đầu tư tại 4 địa bàn trọng điểm - nơi tập trung nhiều giá trị tài nguyên và những điều kiện có thể phát triển các sản phẩm đặc thù như: Địa bàn TP.Tân An - thị trấn Bến Lức; khu vực Tân Lập - Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp; Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen; thị trấn Đức Hòa và phụ cận.
Trong đó, địa bàn TP.Tân An - thị trấn Bến Lức có vai trò điều hành, đầu mối của mọi hoạt động hành chính, du lịch, thương mại,... Trên địa bàn này có dự án Khu phức hợp giải trí Happyland với diện tích quy hoạch khoảng 1.000ha. Các điểm cần được ưu tiên phát triển trên địa bàn này gồm: Khu phức hợp giải trí với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao; trung tâm thông tin du lịch Long An - nơi cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật những cơ hội đầu tư du lịch và hệ thống các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng như thông tin về các dịch vụ du lịch trong thời gian khách lưu lại Long An. Ngoài ra, trên địa bàn này cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ khu du lịch Happyland đến Tân Trụ và hệ thống lưu trú,...
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp - Nơi đầy tiềm năng để phát triển du lịch
Còn địa bàn Tân Lập - Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp là trục không gian có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thương mại - du lịch của Long An. Đây còn là địa bàn quan trọng trong hợp tác phát triển du lịch với khu vực tiểu vùng sông Mêkông mở rộng mà trực tiếp là Thái Lan và Campuchia. Khi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn này, cần ưu tiên cải tạọ, khai thác hiệu quả Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập. Đây là khu du lịch có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao ở vùng Đồng Tháp Mười và Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, xây dựng khu thương mại - dịch vụ du lịch quá cảnh Bình Hiệp gắn với thị xã Kiến Tường, xây dựng hạ tầng và tuyến du lịch trên sông Vàm Cỏ Tây đoạn từ Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập qua Kiến Tường đến Cổ Sơn tự (chùa Nổi) và nâng cấp Quốc lộ 62. Trên địa bàn này, hệ thống lưu trú sẽ phát triển ở thị xã Kiến Tường và Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - nơi bảo tồn nhiều sinh cảnh tự nhiên với giá trị sinh học cao là điểm du lịch mang tính tự nhiên hấp dẫn
Cùng với Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và phụ cận - nơi còn bảo tồn nhiều sinh cảnh tự nhiên với giá trị sinh học cao là điểm du lịch mang tính tự nhiên đối trọng với Happyland mang tính chất nhân tạo. Điều này tạo nên bức tranh đa dạng của du lịch với 2 điểm nhấn bổ sung cho nhau và là yếu tố kéo dài ngày lưu trú của khách khi đến Long An. Vì vậy, những ưu tiên cần được đầu tư phát triển trên địa bàn du lịch trọng điểm này gồm: Phát triển Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ và đầu tư, đưa tuyến đường kênh 79 nối Quốc lộ 62 với khu bảo tồn vào phục vụ phát triển du lịch.
Riêng thị trấn Đức Hòa và phụ cận - địa bàn tập trung nhiều giá trị lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa quan trọng có giá trị du lịch như Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh, điểm du lịch văn hóa - thể thao Phước Lộc Thọ và sông Vàm Cỏ Đông chảy qua với nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn sẽ là điểm đến của du lịch lịch sử - văn hóa - sông nước. Tuy nhiên, để phát triển, cần hoàn thiện Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh với hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất đồng bộ, nâng cấp hoàn thiện Khu kiến trúc khảo cổ Bình Tả và xây dựng hạ tầng tuyến du lịch trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ huyện Đức Hòa lên thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ.
Làng cổ Phước Lộc Thọ (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) - điểm du lịch với không gian mang đậm nét hoài cổ
Đồng bộ nhiều giải pháp
Ngoài đầu tư 4 địa bàn trọng điểm, để Long An trở thành điểm hẹn du lịch sinh thái của miền Tây Nam bộ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác. Đối với loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, trong phát triển du lịch phải nâng cấp quy mô và phát huy các lễ hội dân gian hàng năm. Xây dựng loại hình văn hóa dân gian, tổ chức xây dựng các câu lạc bộ biểu diễn một số loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc tại các khu, điểm du lịch phục vụ du khách. Bên cạnh đó, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc cổ, nhất là các di tích xếp hạng để đưa vào các tuyến tham quan du lịch. Đồng thời, khảo sát các tuyến du lịch theo quy hoạch vùng, kể cả nước bạn Lào, Campuchia,... nhằm liên kết phát triển tour, tuyến bảo đảm tăng dần lượng khách lữ hành đi và đến Long An.
Làng nghề truyền thống ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa
Trong phát triển du lịch cũng cần có sản phẩm du lịch đặc trưng của Long An để phục vụ du khách: Rượu Gò Đen, gạo Nàng thơm Chợ Đào, khóm Bến Lức, thanh long Châu Thành - những “thương hiệu” của đất Long An cần được giới thiệu đến du khách. Ngoài ra, các làng nghề như: Làng trống Bình An, Làng nghề dệt chiếu Long Cang, nghề đóng ghe ở Cần Đước và các lễ hội lịch sử - văn hóa,... cũng cần được hỗ trợ để phát triển du lịch. Văn hóa ẩm thực ở chợ đêm Tân An, ẩm thực mùa nước nổi cũng nên khai thác trên hành trình phát triển đưa Long An thành điểm hẹn du lịch sinh thái ở miền Tây Nam bộ.
Đờn ca tài tử - Một loại hình nghệ thuật hấp dẫn khách du lịch khi đến Long AnĐối với các dịch vụ du lịch, tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng quy trình phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ về đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên đạt tiêu chuẩn quy định. Bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ du lịch cho các lái xe, lái tàu vận chuyển khách du lịch, bảo đảm các phương tiện vận chuyển du lịch an toàn, có đủ điều kiện trang bị, bảo đảm lịch sự và làm hài lòng du khách.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch bằng nhiều hình thức cũng như tiếp tục lồng ghép tuyên truyền trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để xây dựng hình ảnh “Người Long An hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”.
Khi tập trung đồng bộ các giải pháp, du lịch Long An từng bước phát triển và trở thành điểm hẹn du lịch sinh thái của miền Tây Nam bộ trong thời gian tới./.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng