Tiếng Việt | English

04/08/2015 - 16:54

Long An: Đức Hòa tập trung phòng, chống sốt xuất huyết

Đức Hòa là huyện công nghiệp - nơi tập trung đông dân cư nên tình hình dịch bệnh nói chung và bệnh sốt xuất huyết (SXH) nói riêng diễn biến phức tạp. Do đó, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế dự phòng huyện đã triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, xác định việc đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là rất quan trọng.

Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện Đức Hòa

Bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn chính là thủ phạm truyền bệnh. Vì vậy, ngành Y tế huyện chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh bằng cách đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh xung quanh nhà ở, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết để tránh muỗi sinh sản.

Ngoài ra, cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh còn đến từng hộ gia đình để vận động, đồng thời treo băng rôn, khẩu hiệu phòng, chống bệnh trong cộng đồng. Huyện cũng đã phối hợp tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng ở 8 xã, thị trấn thường xuất hiện dịch bệnh.

Chị Dương Thị Thanh Thủy, ở ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, cho biết: “Hàng năm, mỗi khi mùa mưa đến, gia đình tôi rất chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Vì vậy, mấy năm nay, cả nhà tôi không ai bị mắc bệnh. Tôi sẽ duy trì diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng, chống muỗi đốt bằng cách ngủ mùng kể cả ngủ trưa để phòng, chống bệnh SXH”.

Phó Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Y sĩ Trần Văn Tụng chia sẻ: “Đức Hòa là một trong những địa bàn có số ca mắc SXH cao hơn các địa phương khác. Nguyên nhân là do huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp, nhiều khu nhà trọ với nhiều công nhân sinh sống, nhưng điều kiện vệ sinh phòng bệnh chưa bảo đảm. Công nhân phải đi làm từ sáng sớm đến chiều tối nên ít quan tâm đến việc dọn dẹp các vật dụng chứa nước xung quanh nhà. Mặt khác, khi tuyên truyền họ không nhận được thông tin một cách đầy đủ. Đến khi có dịch xảy ra, cán bộ y tế đến dập dịch thì họ đóng cửa đi làm nên gặp không ít khó khăn. Ngành Y tế huyện đã chỉ đạo cán bộ y tế ấp tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các khu, cụm công nghiệp vào chủ nhật hàng tuần. Hy vọng, đây là giải pháp có thể giảm số người mắc SXH trong thời gian tới”.

Ngoài ra, ngành Y tế huyện còn xây dựng mô hình điểm về truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng, chống SXH trong trường học tại xã Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ. Đối tượng để thực hiện mô hình là hiệu trưởng, cán bộ phụ trách y tế, giáo viên và học sinh từ lớp 3 đến lớp 8.

Hoạt động trên nhằm giúp giáo viên trang bị thêm kiến thức về bệnh SXH và cách phòng, chống để thực hiện và giảng dạy cho học sinh. Từ đó, làm thay đổi hành vi cũng như giúp học sinh chủ động thực hiện phòng, chống bệnh SXH bằng cách: Thả cá diệt lăng quăng; dọn dẹp, thu gom vật phế thải, vật chứa nước mưa đọng nhằm hạn chế sự sinh sản của muỗi; đậy nắp kín dụng cụ chứa nước; súc lu, dụng cụ chứa nước hằng tuần; diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt…

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đức Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 155 ca mắc SXH, tăng 39 ca so với cùng kỳ, không có trường hợp tử vong. Dịch bệnh xảy ra nhiều ở các xã có khu, cụm công nghiệp và đều được khống chế, xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, ngành Y tế huyện khuyến cáo: Dịch bệnh SXH xảy ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9. Hiện bệnh vẫn chưa có thuốc phòng ngừa và đặc trị, bệnh diễn biến thất thường và có thể gây tử vong. Vì vậy, nếu có dấu hiệu như sốt cao đột ngột trên 39 độ, khó làm hạ sốt thì nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết