Tiếng Việt | English

24/08/2015 - 05:01

Long An: Môi trường- tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng.

Với mục tiêu toàn diện: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh - trật tự; tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Để thực hiện chương trình này, ngày 14/6/2009, Chính phủ đã có Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, với 19 tiêu chí cụ thể. Trong đó, tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) gồm 5 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện, nhất là đối với những tỉnh đang trong quá trình công nghiệp hóa như Long An hiện nay.

Theo số liệu khảo sát thực trạng nông thôn tỉnh Long An trước khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì chưa có xã đạt 15 tiêu chí, số xã đạt dưới 10 tiêu chí chiếm đến 91% (151 xã); trong đó, chỉ có 08 xã đạt được tiêu chí về môi trường. Điều đó cho thấy, tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí có xuất phát điểm thấp nhất so với các tiêu chí khác của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và cũng là tiêu chí khó đạt nhất đối với các xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nguyên nhân của vấn đề trên là do khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 97% diện tích tự nhiên và 82% dân số toàn tỉnh. Đây là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế thấp, hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường... còn nhiều hạn chế; đồng thời phải tiếp nhận một phần chất ô nhiễm từ các đô thị, khu, cụm công nghiệp; cùng với đó là lượng rác thải sản xuất và sinh hoạt tại khu vực nông thôn hằng ngày không hề nhỏ.

Trong thành phần rác thải có nhiều vật khó phân huỷ như túi nylon, đặc biệt là các bao bì và vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật... Trong khi việc thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết các gia đình tự xử lý rác thải của nhà mình bằng các biện pháp đơn giản, không đảm bảo vệ sinh môi trường như: đốt, chôn, thậm chí để vào một góc vườn. Không ít nơi người dân còn xả rác thải sản xuất và sinh hoạt tùy tiện; làm chuồng trại gia súc gần nơi ăn ở... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng và bộ mặt nông thôn.

Mặt khác, lúc bắt đầu thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, chúng ta chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề môi trường và không lường hết hậu quả của nó đối với môi trường sống.

Qua gần 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân thì việc thực hiện tiêu chí này bước đầu đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các tiêu chí khác. Theo kết quả thống kê, tính đến hết tháng 6 năm 2015, toàn tỉnh có 78/166 xã (chiếm 47%) đạt được tiêu chí về môi trường (tiêu chí số 17); tuy nhiên vẫn còn địa phương chưa có xã nào đạt được tiêu chí này.

Thời gian tới, để cải thiện, tiến tới đạt được tiêu chí về môi trường nông thôn, trước hết cần quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm phát triển bền vững; phải đặt vấn đề môi trường lên trên và trước hết; kiên quyết không cấp phép đầu tư và xử lý thích đáng đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc không có giải pháp khả thi về xử lý chất thải công nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, từng bước xóa bỏ những tập tục cũ, đi đôi với đẩy mạnh quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân phù hợp, có chính sách hợp lý để người dân chấp hành chủ trương về nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường sống trong việc chôn cất người chết; vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn.
Việc xây dựng nông thôn mới cần được phối hợp triển khai đồng bộ và tận dụng tốt nguồn lực từ các chương trình, dự án khác.


Đoàn viên thanh niên góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp

Lồng ghép các nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", thực hiện quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.

Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (tiêu biểu như làm hố biogas để xử lý chất thải chăn nuôi); đẩy mạnh công tác trồng và chăm sóc cây xanh, bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình... Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần được nhắc nhở, ký cam kết bảo vệ môi trường...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, tin tưởng rằng tỉnh Long An sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí môi trường, góp phần hoàn thành việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đảm bảo chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 36 xã đạt 19/19 tiêu chí của xã nông thôn mới./.

Đinh Ngọc Lâm
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An
 

 

Chia sẻ bài viết